08:06 14/08/2012

Thể thao Việt Nam: Những bài học từ Olympic Luân Đôn 2012

Trường hợp, lực sỹ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn xếp thứ 4 ở hạng cân 56 kg, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chỉ thiếu 0,1 điểm để giành HCĐ, đã để lại những nuối tiếc khi thể thao Việt Nam “trắng tay” tại Olympic 2012. Không giành được tấm huy chương nào, thể thao Việt Nam cần rút ra những bài học cho mình.

Trường hợp, lực sỹ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn xếp thứ 4 ở hạng cân 56 kg, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chỉ thiếu 0,1 điểm để giành HCĐ, đã để lại những nuối tiếc khi thể thao Việt Nam “trắng tay” tại Olympic 2012. Không giành được tấm huy chương nào, thể thao Việt Nam (TTVN) cần rút ra những bài học cho mình.

 

Lỡ huy chương vì thiếu kinh nghiệm

 

Trước khi Olympic 2012 khai mạc, phần lớn những chuyên gia đều nhận định cử tạ sẽ mang về huy chương cho TTVN. Thế nhưng, thực tế đã không như mong muốn, khi lực sỹ Trần Lê Quốc Toàn đã trắng tay ở hạng cân 56 kg. Mức tạ 284 kg dù đã cao hơn thành tích trước đây của Toàn, nhưng vẫn không đủ để có huy chương. Lực sỹ người Đà Nẵng này đã mạnh dạn nâng lên mức tạ “khủng” 292 kg, nhưng đã thất bại do thiếu kinh nghiệm và có phần chủ quan.


 

Hoàng Xuân Vinh đã bỏ lỡ tấm huy chương đồng trong gang tấc.

 

Chỉ một chút sai lầm trong khâu khởi động đã ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của Toàn. Khi đăng ký mức tạ 292 kg, Toàn được thi đấu ở nhóm A và thi sau nên tâm lý rất thoải mái. Nhưng sai lầm của Toàn là khởi động trước tất cả các đối thủ khác. “Việc khởi động quá lâu và quá nhiều đã làm ảnh hưởng tới thể lực của tôi. Cộng thêm việc phải đi lên đi xuống để thực hiện bài thi khiến tôi mất rất nhiều sức một cách lãng phí. Đến khi nâng tạ thì cảm giác mệt và lỡ nhịp dẫn đến 2 lần cử đầu tiên của mình bị hỏng” - Quốc Toàn thừa nhận. Trong quá trình thi đấu, chỉ một xáo trộn nhỏ tâm lý cũng sẽ ảnh hưởng đến thành tích thi đấu. Sự chủ quan của đội tuyển cử tạ khi chỉ “đề phòng” các đối thủ mạnh của Trung Quốc, Cadắcxtan và Udơbêkixtan mà quên VĐV CHDCND Triều Tiên Yun Chol Om. Ngay Trưởng bộ môn cử tạ Đỗ Đình Kháng cũng thừa nhận không ngờ Yun Chol Om có thể phá đến 26 kg sau 1 năm, để đoạt HCV. Thành tích ấn tượng của đối thủ đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý thi đấu của Quốc Toàn.


Với trường hợp lực sỹ Hoàng Anh Tuấn, trong quá trình tập luyện từng đạt ngưỡng gần 300 kg, nhưng khi thi đấu cũng chỉ đạt 290 kg. Vì vậy, việc Toàn từng nâng được mức tạ trên 290 kg, nhưng tại Olympic chỉ nâng được 284 kg cũng là điều dễ hiểu. Rõ ràng, để VĐV có được phong độ cao nhất trong thi đấu cần sự dạn dày kinh nghiệm và điều này chỉ có được khi được thi đấu quốc tế thường xuyên hơn.

 

Cần thêm sự tự tin


Ở phần lớn các môn dự Olympic lần này, công tác chuẩn bị của thể thao Việt Nam còn nhiều hạn chế. Ngay cả môn được xác định là trọng điểm như cử tạ, thì chuyến tập huấn tại Bungari cũng diễn ra một cách vội vã, dẫn đến thiếu hiệu quả. Còn cô gái TDDC Phan Thị Hà Thanh thì đến ngày khai mạc Olympic vẫn chủ yếu tập “chay”. Trước đó, Hà Thanh có được bố trí 1 HLV kèm cặp, nhưng chủ yếu chỉ giúp Hà Thanh tránh chấn thương là chính, chứ không giúp cô nâng cao được độ khó các bài tập. Điền kinh cũng hầu như không có đợt tập huấn nước ngoài. Đội tuyển taekwondo với Huỳnh Châu và Diệu Linh thì khá hơn, vì được tập huấn tại Hàn Quốc và Pháp, nhưng vẫn không đủ nếu so với sự đầu tư của các nước. HLV người Hàn Quốc của đội taekwondo Việt Nam, Kang Nam Won, cho biết: “Hàn Quốc là cường quốc taekwondo cũng phải mất 4 năm chuẩn bị cho Olympic. Trong khi đó, dù được tập huấn nhưng cả Huỳnh Châu và Diệu Linh chỉ tập “chay” cùng HLV mà không có “quân xanh” ngang trình độ. Võ sỹ Việt Nam có thể thua, nhưng lẽ ra đã không thua đậm như vậy, nguyên nhân vì họ đã bị choáng ở đấu trường Olympic do ít được thi đấu quốc tế. Phần lớn VĐV Việt Nam đã không chơi đúng với sức của mình, cộng với việc phải chịu áp lực về thành tích”.


Để tuột tấm HCĐ nội dung súng ngắn 50 m nam, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cho rằng đó không phải là một thất bại. Với việc giành 563 điểm, đứng thứ 4/38 VĐV dự thi ở nội dung này, rõ ràng Xuân Vinh hoàn toàn có thể tranh tài “sòng phẳng” ở đẳng cấp thế giới. Xạ thủ này tỏ ra tiếc nuối và cho rằng đã có thể đạt thành tích tốt hơn. Dù đã rất nỗ lực và cố gắng nhưng chưa thể bằng đối thủ khi họ đã có thời gian dài chuẩn bị và dày dặn kinh nghiệm hơn. Không được chuẩn bị kỹ lưỡng nên mỗi khi tham dự một đấu trường lớn, các VĐV Việt Nam thường rất thiếu tự tin. Nhược điểm này chỉ có thể cải thiện thông qua quá trình tập luyện và thường xuyên thi đấu quốc tế. Muốn vậy, sẽ cần phải có sự phối hợp rất tốt giữa các VĐV, HLV và các cơ quan quản lý. Ngoài việc tập huấn và thi đấu quốc tế, các VĐV cần phải được đầu tư có trọng điểm và mạnh dạn hơn, nhằm ổn định tâm lý, không bị phân tâm bởi những vấn đề gia đình hay xã hội.


Khâu chăm sóc, y tế của TTVN cũng chưa thể so sánh với các đoàn khác. Trong thi đấu đỉnh cao ở đẳng cấp thế giới, mỗi VĐV đều cần có một chăm sóc viên, một chuyên gia xoa bóp, thậm chí cả chuyên gia tâm lý. Với điều kiện kinh tế khó khăn, dù biết đó là đòi hỏi khó đáp ứng nhưng nếu cải thiện được phần nào sẽ góp phần ổn định tâm lý cho VĐV, qua đó nâng cao thành tích chung.

 

Lâm Lâm