11:23 22/11/2011

Thể thao Việt Nam đã khẳng định được vị thế

Sau những ngày tranh tài sôi nổi, quyết liệt ở SEA Games 26, các VĐV Việt Nam đã giành được những thành tích ấn tượng ở nhiều môn thi đấu. Nằm trong tốp 3 đoàn dẫn đầu, giành 96 HCV, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) xuất sắc vượt xa chỉ tiêu trước khi lên đường.

Sau những ngày tranh tài sôi nổi, quyết liệt ở SEA Games 26, các VĐV Việt Nam đã giành được những thành tích ấn tượng ở nhiều môn thi đấu. Nằm trong tốp 3 đoàn dẫn đầu, giành 96 HCV, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) xuất sắc vượt xa chỉ tiêu trước khi lên đường.

Một đại hội thành công

SEA Games 26 là kỳ Đại hội có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với 43 môn thi đấu và 545 bộ huy chương. Thành công của đoàn TTVN được ghi dấu ấn nhờ công của đội tuyển TDDC với 11 HCV, 4 HCB, 4 HCĐ. Đây là đội tuyển giành được nhiều HCV nhất tại SEA Games từ trước tới nay của thể thao Việt nam.

Võ sỹ pencak silat Nguyễn Hương Xuân trong niềm vui chiến thắng. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Nỗ lực Nguyễn Thị Hà Thanh và sự trở lại kỳ diệu "búp bê" Đỗ Ngân Thương đã khiến đội tuyển TDDC như được "chắp cánh". Cũng phải kể đến đội tuyển cờ vua khi giành 6 trên tổng số 8 HCV. Ngoài ra, điền kinh (9 HCV), vật (8 HCV), bắn súng (7 HCV), pencak silat (6 HCV), lặn (6 HCV), đấu kiếm, vovinam (5 HCV)... đã góp phần tạo nên sự thành công. Điểm sáng rực rỡ nhất thuộc về tay bơi Hoàng Quý Phước, VĐV duy nhất phá chuẩn B Olympic.

Nhìn lại cuộc đua của đoàn Việt Nam, Trưởng đoàn Lâm Quang Thành nhận định: “Sau nhiều ngày thi đấu với nỗ lực cao nhất, đoàn TTVN đã có 23 môn giành được HCV, góp phần giúp chúng ta giữ vững vị trí trong tốp đầu của SEA Games 26 và khẳng định được vị thế của TTVN trong khu vực. Nhiều đội tuyển đã có sự chuẩn bị tốt về lực lượng để các VĐV của chúng ta có thể tranh chấp HCV với các đoàn mạnh trong khu vực. Rất nhiều VĐV trẻ đã giành được HCV bên cạnh nỗ lực lớn của các VĐV kỳ cựu”.

SEA Games 26 cũng ghi nhận những thất bại để lại dư âm buồn trong lòng người hâm mộ. Đó là sự hụt hơi của "nữ hoàng tốc độ" Vũ Thị Hương nên thất bại ở cả hai nội dung sở trường. Tình cảnh ra về trắng tay của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam cũng đặt những dấu hỏi lớn về công tác đào tạo trẻ trong thời gian gần đây.

Điểm tựa vươn ra châu lục

Thành công của đoàn TTVN tại SEA Games 26 đã đặt ra câu hỏi: Đã đến lúc TTVN cần vươn lên đấu trường châu lục? Thực tế cho thấy, Đông Nam Á đã từng có những nhà vô địch châu lục, vô địch thế giới và HCV Olympic của một số môn thể thao: Boxing, cử tạ, cầu lông, bóng bàn, đua thuyền buồm... Tại kỳ SEA Games này, nhiều VĐV Việt Nam đã cho thấy hoàn toàn có thể vươn ra tầm châu lục như: Hoàng Quý Phước, Phan Hà Thanh, Trương Thanh Hằng... Ngay cả những trường hợp không thành công như Thạch Kim Tuấn, Vũ Thị Hương, Tiến Minh... cũng cần rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác chuẩn bị, bồi dưỡng VĐV đỉnh cao trước mỗi “trận đánh lớn”.

Trưởng đoàn Lâm Quang Thành đánh giá, thành công ở SEA Games 26 là một bước đệm, nhằm thúc đẩy thành tích của TTVN lên tầm châu Á và thế giới. Ở các môn thuộc nội dung thi đấu Olympic như điền kinh, bắn súng, thể dục, bơi, đấu kiếm, vật…, các VĐV Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn ở các cuộc tranh tài và chứng tỏ chúng ta đang có lực lượng kế thừa với nhiều VĐV trẻ, nhiều gương mặt mới để chuẩn bị cho các giải tới.

Việc đoàn TTVN giành nhiều HCV ở hơn 20 môn thi đấu đã cho thấy sự đồng đều của một số đội tuyển, cũng như chất lượng của đội ngũ VĐV thể thao đỉnh cao Việt Nam, để từ đó có định hướng, chiến lược đầu tư đúng nhằm tập trung cho các cuộc đua tài khác trong tương lai.

Trong 26 kỳ (cả SEAP Games và SEA Games) đoàn thể thao Thái Lan 11 lần xếp thứ nhất, Inđônêxia 10 lần, Mianma 2 lần. Việt Nam, Malaixia, Philíppin mỗi đoàn 1 lần. SEA Games thực sự là ngày hội của tình hữu nghị, thể thao, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc. Đây cũng là dịp để mỗi quốc gia tổng duyệt lực lượng, phấn đấu vì những mục tiêu cao hơn.

Nhóm PV tại Inđônêxia