08:18 31/08/2012

Thể thao Việt Nam cần tầm nhìn sâu rộng và hành động ngay

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, để có huy chương, thời gian chuẩn bị cho một kỳ Olympic sẽ phải mất từ 8 - 10 năm. Với hi vọng có được thành tích khả quan ở các kỳ thế vận hội sắp tới, thể thao Việt Nam (TTVN) sẽ phải bắt tay vào việc chuẩn bị ngay từ bây giờ...

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, để có huy chương, thời gian chuẩn bị cho một kỳ Olympic sẽ phải mất từ 8 - 10 năm. Với hi vọng có được thành tích khả quan ở các kỳ thế vận hội sắp tới, thể thao Việt Nam (TTVN) sẽ phải bắt tay vào việc chuẩn bị ngay từ bây giờ, với sự quyết liệt và khoa học hơn.


Thiếu đầu tư mang tính nền tảng


Thất bại của TTVN ở Olympic 2012 không chỉ đơn thuần trong khuôn khổ một giải đấu. Sau cuộc họp rút kinh nghiệm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành phải thừa nhận: Nguyên nhân thất bại một phần xuất phát từ thực trạng yếu kém của TTVN.


Được đặt nhiều hy vọng, nhưng Trần Lê Quốc Toàn cũng không thể giành huy chương tại Olympic Luân Đôn 2012.
Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN


Nếu nhìn vào cả quá trình phát triển thể thao nhiều năm qua, dễ nhận thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng VĐV. Đa phần VĐV không được đào tạo căn bản, khoa học từ nhỏ, nên không có tố chất thể lực, khả năng tiếp thu kỹ thuật và ý chí thi đấu thấp. Toàn bộ hệ thống tuyển chọn VĐV năng khiếu chưa có quy chế, tiêu chuẩn nên không có căn cứ tiến hành.


Do nhiều nguyên nhân mà việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, bổ trợ huấn luyện, y tế, dinh dưỡng cho VĐV thể thao thành tích cao chưa tương xứng. Những điều này đã gián tiếp làm giảm năng lực, thành tích của các VĐV, đặc biệt ở các giải đấu lớn.


Thể thao trường học ở Việt Nam yếu kém nhất khu vực, đã tác động trực tiếp đến thể thao đỉnh cao. Phần lớn các trường đại học ở Việt Nam không có khu vực tập luyện cũng như chương trình đào tạo bài bản. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện tài năng, bồi dưỡng VĐV bổ sung cho thể thao đỉnh cao. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hụt nghiêm trọng lớp VĐV kế cận hiện nay. Vấn đề này cần được nhìn nhận sâu sắc.


Trên thực tế, những nước phát triển thể thao học đường như Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản... đều thành công ở Olympic. Theo thống kê của tờ Los Angeles Times (Mỹ), các trường học đã giúp Mỹ đoạt hơn 80 huy chương trong số 104 huy chương tại Olympic vừa qua. Thể thao học đường Vương quốc Anh giành đến 60% trong tổng số 65 huy chương của nước chủ nhà Olympic.


Thái Lan mỗi lần tổ chức SEA Games cũng có một nửa số địa điểm thi đấu nằm trong khuôn viên các trường đại học, điều đó cho thấy thể thao học đường có ý nghĩa căn bản trong sự phát triển chung của thể thao quốc gia.


Cách làm vội vã


Công tác chuẩn bị cho các kỳ Đại hội thể thao của Việt Nam rất bị động, mang tính đối phó. Việt Nam chỉ thực sự bắt đầu chuẩn bị cho Olympic 2012 từ năm 2011. Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng thời gian như vậy là quá ít.


Sự gấp gáp trong công tác chuẩn bị đã khiến các VĐV Việt Nam thiếu kinh nghiệm, tâm lý thi đấu không ổn định.


Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh nhận định, việc không thành công của TTVN tại Olympic 2012 được dự báo từ trước đó rất lâu. Vị chuyên gia này cho rằng, các VĐV đã phải tập luyện và thi đấu trong tình trạng thiếu thốn mọi mặt. Nếu chỉ đầu tư 2 - 3 tháng mà yêu cầu có huy chương Olympic là đòi hỏi quá sức đối với bất kỳ VĐV nào.


Trong khoảng thời gian ngắn đó, ngay cả những VĐV trọng điểm cũng không được quan tâm đúng mức. Phan Thị Hà Thanh với tấm HCĐ thế giới giành quyền đến Luân Đôn từ tháng 11 năm ngoái, nhưng không có HLV ngoại nên không thể nâng độ khó bài tập. Suốt thời gian dài đô vật Nguyễn Thị Lụa vừa tập vừa chờ thày ngoại, nhưng vẫn không có. Cây vợt Tiến Minh chỉ có được 1 tháng tập với “quân xanh” người Inđônêxia. Taekwondo chỉ có giáp thi đấu điện tử 3 tháng trước khi dự Olympic, chế độ dinh dưỡng chẳng có gì đặc biệt.


Quá ít thời gian khiến các VĐV không có đủ kinh nghiệm và sự tự tin khi tranh tài. Hà Thanh dừng bước từ vòng loại môn TDDC trước những đối thủ lớn. Ở hạng 56 kg cử tạ nam, sự xuất hiện bất ngờ của lực sỹ người CHDCND Triều Tiên với thành tích phá kỷ lục Olympic đã khiến Quốc Toàn bị “choáng”, rồi sai lầm trong thi đấu. Các VĐV taekwondo, judo, đấu kiếm, vật tự do nữ... đều khó thích nghi với đấu trường lớn như Olympic và thua sớm.


Làm lại ngay lúc này


Phó Tổng cục trưởng Lâm Quang Thành cho rằng: “Thời gian hơn một năm chỉ đủ để tiếp cận thành tích châu lục, thế giới chứ chưa vững chắc giành huy chương Olympic. Ngành thể thao đã thống nhất sẽ phải thay đổi ngay trong thời gian tới. Ngành sẽ phối hợp với các bộ môn, địa phương rà soát lực lượng và chọn ra các môn, nội dung thế mạnh từ 3 - 5 môn đề đầu tư trọng điểm như bắn súng, cử tạ, TDDC... Chúng tôi sẽ xác định rõ môn và những VĐV cụ thể được đầu tư dài hạn, không chỉ cho năm 2016 mà cả 2020. Đặc biệt sẽ phải huy động các nguồn lực từ xã hội”. Tổng cục TDTT cũng sẽ tiến hành cân đối lại việc đầu tư cho các mục tiêu SEA Games, ASIAN Games và Olympic. Việc hoạch định chiến lược phát triển các môn thể thao trọng điểm, đào tạo đội ngũ kế cận sẽ có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại trong tương lai.


Từ xưa đến nay, ngành thể thao thường xem nhẹ việc kiểm tra, đánh giá về công tác huấn luyện. Chính vì vậy, thành tích của các VĐV không được theo dõi chặt chẽ, dẫn đến việc bồi dưỡng lỏng lẻo, không đúng hướng, lãng phí. Việc xây dựng Quy chế giám định khoa học huấn luyện là điều kiện tiên quyết trong quản lý và huấn luyện thể thao thành tích cao. Cùng với đó, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cho VĐV trẻ, VĐV quốc gia theo những nội dung thích hợp.


Phần lớn các chuyên gia nhận định, việc có huy chương ở Olympic 2016 là vô cùng khó khăn. Nếu các nhà quản lý thể thao không tiến hành cải cách quyết liệt ngay từ lúc này thì TTVN sẽ còn phải chịu cảnh “trắng tay” ở đấu trường quốc tế trong nhiều thập kỷ tới.



Lâm Khánh