Xung quanh các mục tiêu GDP “Kế hoạch 5 năm” của Trung Quốc

Báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (Hồng Công) ngày 3/11 cho biết bất chấp nhiều đồn đoán rằng Bắc Kinh sẽ bỏ những mục tiêu cứng nhắc về GDP trong “Kế hoạch 5 năm” lần thứ 12, khi toàn bộ kế hoạch này được công bố tại phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc tháng 3/2011, người ta vẫn sẽ thấy các mục tiêu cụ thể, rõ ràng cho tăng trưởng kinh tế lẫn lạm phát.


Tại cuộc họp báo ngày 2/11 phát động thăm dò dư luận về dự thảo “Kế hoạch 5 năm” lần thứ 12, Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước Trung Quốc (NDRC), Trương Bình, cho biết: “Chúng tôi sẽ đặt các mục tiêu cụ thể cho tăng trưởng kinh tế, tái cấu trúc kinh tế, giá tiêu dùng, cải thiện đời sống nhân dân cũng như bảo vệ môi trường, lượng khí thải cácbon trong kế hoạch lần này”. Đề cương của “Kế hoạch 5 năm” lần thứ 12 đã được thông qua hồi tháng trước tại Hội nghị Trung ương 5 Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP).


Trong vài năm qua, việc đặt các mục tiêu tăng trưởng bị chỉ trích là đã khuyến khích quá mức các chính quyền địa phương theo đuổi phát triển kinh tế nhanh chóng bất chấp những cái giá phải trả về môi trường và xã hội. Có quan điểm cho rằng các mục tiêu này là vô nghĩa khi Trung Quốc thường vượt qua các mục tiêu tăng trưởng GDP trong tiến trình “Kế hoạch 5 năm” hiện nay (kết thúc vào cuối năm nay).





Giới truyền thông và phân tích đồn đoán rằng chính phủ Trung ương Trung Quốc có thể sẽ bỏ một mục tiêu tăng trưởng GDP cụ thể trong “Kế hoạch 5 năm” sắp tới vì những năm tháng "theo đuổi mù quáng" phát triển kinh tế đã tạo ra tình trạng thừa công suất công nghiệp, lãng phí và ô nhiễm môi trường nặng nề.

Trang Kiện, nhà kinh tế cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng kêu gọi hủy bỏ các mục tiêu cụ thể xuất phát từ thực tế là nhiều chính quyền địa phương đặt tăng trưởng GDP lên trên hết, bỏ qua đòi hỏi cần tập trung vào tăng trưởng bền vững và lành mạnh. Tuy nhiên, theo Trang Kiện, “không nền kinh tế nào trên thế giới có thể từ bỏ việc sử dụng GDP như một chỉ số chính bởi nhìn chung đây vẫn là cách đo lường tốt nhất đối với tổng thể sự phát triển của một nền kinh tế”.


Một số quan điểm chỉ trích rằng các mục tiêu là vô ích bởi Trung Quốc đạt tăng trưởng GDP hàng năm gần mức 2 chữ số trong 5 năm qua, vượt hơn nhiều so với mục tiêu 7% đặt ra cho “Kế hoạch 5 năm” hiện nay. Nhưng Trang Kiện cho rằng các mục tiêu là nhằm củng cố việc thực thi các định hướng chính sách.


Trong một phác thảo kế hoạch công bố tuần trước, lãnh đạo CCP cam kết tăng thu nhập cho người dân để chuyển hướng mô hình tăng trưởng quá phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu sang mô hình dựa nhiều hơn vào tiêu dùng quốc nội. Phó Chủ nhiệm NDRC Từ Hiến Bình cho biết, “Kế hoạch 5 năm” lần thứ 12 sẽ có những mục tiêu “cụ thể, rõ ràng” cho cải cách phân phối thu nhập và thu nhập hộ gia đình. Theo quan chức trên, những mục tiêu này sẽ được đề ra nhằm hiện thực hóa nỗ lực “cố gắng nâng thu nhập của tất cả người dân với một tốc độ tương đối nhanh và duy trì tốc độ tăng thu nhập, tăng trưởng kinh tế, cải thiện năng suất lao động”, một trong những điểm chính của kế hoạch. Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa những người được hưởng lợi chính từ ba thập kỷ cải cách kinh tế với đa số người dân còn nghèo là một vấn đề then chốt đối với CCP.


Các mục tiêu nhằm thực hiện cam kết của chính phủ Trung Quốc về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ là một dấu hiệu để xem liệu Trung Quốc, "nguồn khí thải lớn nhất thế giới”, có đang hướng tới đáp ứng đòi hỏi từ Mỹ và các chính phủ khác trong vấn đề này hay không.


Giới phân tích cho rằng Trung Quốc có thể sẽ “thả lỏng” hơn về lạm phát trong 5 năm tới bởi quá trình cải cách cơ cấu và sẽ đặt một mục tiêu thường niên cho mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cao hơn 3%. Diêu Cảnh Nguyên, kinh tế trưởng tại Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, ngày 2/11 nhận xét rằng mức lạm phát trung bình năm nay ở nước này sẽ không vượt quá 3,5%. Trong “Kế hoạch 5 năm” hiện nay, mục tiêu về lạm phát hàng năm đặt ra là 3% nhưng sức ép giá đang tăng mạnh vài tháng gần đây.

Trung Sơn (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN