Xung đột Hamas - Israel: Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp chính trị

Ngày 12/10, Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt đã kêu gọi giảm căng thẳng trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas.

Chú thích ảnh
Khói lửa bốc lên từ thành phố Gaza, sau các cuộc oanh kích của không lực Israel nhằm đáp trả các vụ tấn công bằng rocket của Phong trào Hamas, ngày 11/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Trong tuyên bố, bà Huitfeldt nhấn mạnh không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột và cách duy nhất để đạt được hòa bình là khởi động lại tiến trình chính trị. Na Uy hối thúc cộng đồng quốc tế duy trì viện trợ tài chính cho người dân Palestine. Theo bà, tình hình hiện nay sẽ xấu đi nếu cộng đồng quốc tế dừng hoặc giảm viện trợ vào giai đoạn quan trọng này.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố đang phối hợp với giới chức Israel và các đối tác để đưa công dân về nước an toàn, đồng thời nhấn mạnh cách duy nhất để chấm dứt bạo lực là đảm bảo an ninh của Israel và thiết lập nhà nước của người dân Palestine.

Pháp là quốc gia có cộng đồng Do Thái lớn nhất tại châu Âu với hàng nghìn người hai quốc tịch đang sinh sống tại Israel và là quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất Tây Âu.

Tại Anh, Văn phòng Thủ tướng cho biết chính phủ nước này sẽ điều 2 tàu Hoàng gia Anh và máy bay tuần tra đến Đông Địa Trung Hải để hỗ trợ Israel. 

Trong tuyên bố, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nêu rõ việc triển khai khí tài này sẽ củng cố các nỗ lực nhằm đảm bảo ổn định trong khu vực và ngăn căng thẳng leo thang. Trong đợt hỗ trợ lần này, Anh sẽ điều động máy bay P8, tàu Hải quân Hoàng gia RFA Lyme Bay và RFA Argus, 3 trực thăng merlin cùng một nhóm Thủy quân lục chiến Hoàng gia.

Máy bay giám sát và tuần tra trên biển sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 13/10 nhằm theo dõi các mối đe dọa đối với ổn định khu vực. Ông Sunak nhấn mạnh các nhóm quân sự và ngoại giao của Anh tại khu vực sẽ hỗ trợ các đối tác quốc tế nhằm thiết lập lại an ninh và đảm bảo viện trợ nhân đạo cho những người chịu ảnh hưởng của xung đột.

Theo kế hoạch, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC)  Ursula von der Leyen  và Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Roberta Metsola sẽ tới Israel trong ngày 13/10. Tuyên bố của EC nêu rõ các lãnh đạo EU muốn gặp gỡ với ban lãnh đạo của Israel và thể hiện sự ủng hộ với quốc gia Do Thái này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng sẽ tới Israel trong ngày 13/10 để gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Dự kiến trong chuyến thăm, ông Austin sẽ gặp gỡ các quan chức quốc phòng và Chính phủ khẩn cấp của Israel.

Về công tác sơ tán, Nhà Trắng cho biết đang xúc tiến tổ chức các chuyến bay thuê để giúp công dân Mỹ rời Israel trong bối cảnh số người Mỹ thiệt mạng trong xung đột tăng lên 27 người và số người mất tích là 14 người. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby  nêu rõ kể ngày 13/10, Chính phủ Mỹ sẽ sắp xếp các chuyến bay thuê để đưa công dân từ Israel sang một số địa điểm tại châu Âu.  

Đặng Ánh (TTXVN)
Điều gì xảy ra nếu Hezbollah mở mặt trận mới, can dự vào xung đột Israel - Hamas
Điều gì xảy ra nếu Hezbollah mở mặt trận mới, can dự vào xung đột Israel - Hamas

Hezbollah có sức mạnh quân sự lớn hơn nhiều so với Hamas. Và các cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa Israel và Hezbollah ở biên giới Liban đang dấy lên lo ngại chiến tranh có thể lan rộng ra nhiều mặt trận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN