Xua đuổi kẻ chiếm đóng

Nhân kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Sài Gòn, chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của ông Gerhard Feldbauer, nhà sử học, nhà báo, từng là phóng viên của hãng thông tấn CHDC Đức ADN và báo "Nước Đức Mới" thường trú tại Hà Nội từ 1967 tới 1970. Mặc dù bài viết của ông đã được công bố ngày 30/4/2010, nhưng giờ đây vẫn còn nguyên tính thời sự.


Vào lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975 giờ địa phương, đơn vị tiên phong của một trung đoàn xe tăng của quân giải phóng đã tiến vào trung tâm Sài Gòn, “thủ đô” của miền Nam Việt Nam. Chiếc xe tăng T-54 ầm ầm đi qua sứ quán Mỹ để tiến tới Dinh Độc Lập, trụ sở của Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Chiếc xe tăng đi đầu húc đổ hàng rào sắt. Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy trung đoàn trèo ra khỏi xe tăng, đi cùng một số sĩ quan lên bậc thang vào Dinh. Hoàn toàn không có kháng cự. Khi trung tá Tùng bước vào phòng, Tướng Dương Văn Minh, người vừa nhận chức Tổng thống từ ba hôm trước và Phó Thủ tướng Vũ Văn Mậu liền đứng dậy.


Hai vợ chồng ông bà Gerhard và Irene Feldbauer.


"Minh Lớn", biệt danh của vị Tướng người miền Nam cao tới 1,80 m này, đã cầm đầu cuộc đảo chính năm 1963 chống lại Ngô Đình Diệm, bù nhìn của Mỹ. Trong những năm qua, thỉnh thoảng ông có kêu gọi "ký kết hòa bình". Vì vậy, Đại sứ Mỹ Martin Graham coi ông là người mà "Việt Cộng" có thể dễ dàng nhất trong việc chuyển giao chính quyền. Vài giờ trước đó, Minh đã tuyên bố trên đài phát thanh là sẵn sàng đầu hàng và là chính khách Sài Gòn đầu tiên kêu gọi chấm dứt đổ máu và tuyên bố "chuyển giao chính quyền trong trật tự".

Trong phòng Tổng thống, ông đã cho dỡ biểu tượng của nhà nước bù nhìn và treo một biểu tượng mới với hoa, biểu tượng cho hòa bình và thống nhất. Giờ đây, ông Minh - người cao lớn mặc comple xanh thẫm - đứng trước vị trung tá binh chủng xe tăng và từ tốn nói với giọng hoan nghênh: "Chúng tôi chờ đón để chuyển giao tất cả cho các ông". Vị trung tá trả lời ngắn gọn: "Ông không còn gì để bàn giao. Ông chỉ còn có việc đầu hàng vô điều kiện". Ông Minh cũng ký tuyên bố đầu hàng, công bố trên đài phát thanh và yêu cầu những đơn vị còn lại của quân đội Sài Gòn ngừng chiến đấu và hạ vũ khí.


Tại sân bay Tân Sơn Nhất, các đơn vị quân giải phóng lúc này đã bẻ gãy sự kháng cự cuối cùng, chiếm các bộ và cơ quan quan trọng, Bộ Tổng tham mưu, đài phát thanh và truyền hình, kiểm soát các đầu mối giao thông. Chính quyền Sài Gòn đã sụp đổ. Thủ tướng và các bộ trưởng cũng như phần lớn các tướng lĩnh đã chạy trốn. Hàng tháng trước đó, nhiều người đã sơ tán gia đình sang Băngcốc (Thái Lan) vì lường trước thất bại.

Năm 1975, khi đó tôi đang là sinh viên học nhiếp ảnh ở trường Đại học Đồ họa và Nghệ thuật sách ở Leipzig, CHDC Đức. Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, chúng tôi náo nức theo dõi hàng ngày, đánh dấu trên bản đồ những bước đi thần tốc của quân giải phóng, nhưng chiến thắng 30/4, giải phóng Sài Gòn vẫn hoàn toàn bất ngờ đối với chúng tôi, sau khi tướng ngụy tuyên bố "Tử thủ Xuân Lộc" để ngăn cản bước tiến của quân giải phóng.

Tác giả và một số anh hùng Việt Nam như Phan Hành Sơn (thứ hai từ phải qua), Nguyễn Đức Soát (thứ tư từ phải qua) tại Đại hội Liên hoan Thanh niên và Sinh viên Thế giới lần thứ 10, năm 1973, ở Béclin, chỉ mấy tháng sau khi ký Hiệp định Paris, nên đoàn Việt Nam được các bạn rất quý trọng.

Sau khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, chúng tôi bàng hoàng cả người, vô cùng xúc động khi các bạn bè, sinh viên quốc tế ở cùng ký túc xá đến chúc mừng. Sáng ngày 1/5, chúng tôi dậy sớm tới trường để tham dự cuộc Tuần hành nhân ngày Quốc tế Lao động do thành phố tổ chức với sự tham dự của hàng trăm nghìn người. Chúng tôi sung sướng và cảm động, nhiều người không kìm nổi nước mắt khi nghe đài phát thanh liên tục phát bài "Sài Gòn giải phóng" của CLB Tháng Mười với điệp khúc: "Tất cả hãy xuống đường, tháng Năm rực màu đỏ, tất cả hãy xuống đường, giải phóng rồi, Sài Gòn ta đó!". Khi đi diễu hành, nhiều người không quen biết hai bên đường cũng vẫy chào, nhiều người tới bắt tay hoặc ôm hôn chúng tôi chúc mừng.

Trong phát biểu hôm đó, ông Erich Honecker, Bí thư thứ Nhất BCH TƯ Đảng XHCNTN Đức đã nồng nhiệt chúc mừng Việt Nam chiến thắng, tiến tới thống nhất đất nước, nhưng cũng kêu gọi phải tiếp tục giúp đỡ Việt Nam và đưa ra khẩu hiệu: "Solidarität mit Vietnam, Jetzt erst recht!" (Đoàn kết với Việt Nam, lúc này hơn bao giờ hết).

Mặc dù đã gần 40 năm trôi qua, nhưng chúng tôi không bao giờ quên được cảm xúc hôm đó, không bao giờ quên được tình cảm của bạn bè Đức và quốc tế dành cho Việt Nam.

Văn Long


Mệnh lệnh cuối cùng của Mỹ


Mãi tới ngày 28/4, Tổng thống Mỹ Gerald Ford mới chỉ thị cho Đại sứ Mỹ bắt đầu sơ tán và tới nơi an toàn. Họ còn chần chừ vì người ta không nghĩ tới việc Sài Gòn bị chiếm nhanh như vậy. Trong khi việc sơ tán bắt đầu, các điệp viên CIA vội vàng đốt tài liệu trong khu vực sứ quán. Sau này, người ta mới biết rằng nhiều tài liệu tuyệt mật đã rơi vào tay Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có cả danh sách điệp viên CIA. Điều đó lại càng nhạy cảm hơn, vì Tom Polgar, Giám đốc CIA tại Sài Gòn đã không kịp đưa nhiều cộng tác viên mật quan trọng ra nước ngoài. Bản thân ông ta cũng chỉ kịp leo lên một chiếc trực thăng để bay ra tàu chiến "Blue Ridge". 81 máy bay trực thăng "Avican" được huy động để chở những nhân viên sứ quán khác từ nóc nhà sứ quán và một số nhà lân cận chở ra những tàu chiến đỗ ở ngoài khơi.

Lính thủy đánh bộ Mỹ gác cầu thang trong trụ sở sứ quán, mà qua đó người Việt chen nhau lên mái để được đưa đi. Họ vẫy vẫy những tấm hộ chiếu có thị thực Mỹ mà nhiều người đã bỏ ra 100.000 USD để "mua" ở Hồng Công. Những binh sĩ Sài Gòn giận giữ bắn vào những chiếc máy bay cất cánh và bị lính thủy đánh bộ Mỹ bắn trả. Khi chiếc máy bay trực thăng cuối cùng bay đi, kẻ cướp đã bắt đầu hoành hành ở tầng dưới. Nhiều nhân viên Tòa lãnh sự Mỹ chạy trốn bằng hai tàu thủy trên sông Mê Công theo hướng biển. Máy bay trực thăng của không quân Sài Gòn dùng súng máy bắn họ. Nhiều sĩ quan cao cấp ngụy quân cũng bị bỏ lại, mặc dù Đại sứ Graham cũng đã từng hứa hẹn là sẽ sơ tán họ. Tổng cộng người ta lên kế hoạch tiếp nhận 130.000 người Việt Nam, những người hợp tác gần gũi với Washington. 25.000 cố vấn quân sự Mỹ còn lại ở miền Nam Việt Nam đã được chuyển đi trong những ngày qua.

Mít tinh và lễ diễu hành nhân Ngày Quốc tế Lao động năm 1975 tại Béclin.


Khi Minh Lớn kêu gọi quân đội Sài Gòn ngừng bắn, họ đã ngừng chiến đấu từ trước rồi. Vũ khí mà họ vứt đi chất thành những đống lớn trên đường phố, quảng trường. Vào tối ngày 30/4, các đơn vị quân giải phóng trong quân phục màu xanh ô liu đã đứng gác trước các công sở và các ngã tư đường phố. Việc cướp bóc đột ngột dừng lại. Những người giải phóng được nồng nhiệt chào đón trên đường phố và quảng trường. Chẳng bao lâu sau, thông qua thực tế, nhân dân tin rằng sự tắm máu do chính quyền Sài Gòn tuyên truyền chẳng có gì là đúng với sự thật. Hoàn toàn không có việc bắn giết, cướp bóc, bạo lực. Những chiến sĩ giải phóng, được gọi là bộ đội, quân đội nhân dân, đã chứng tỏ rằng họ từ nhân dân mà ra. Có những tình huống mà họ đã ngăn cản được sĩ quan hoặc công chức Sài Gòn cấp cao có ý định tự sát vì sợ.


Chấm dứt sự chiếm đóng


Với việc chiếm được Sài Gòn ngày 30/4/1975, miền Nam Việt Nam đã được giải phóng sau hai thập kỷ Mỹ chiếm đóng, xiềng xích của gần một trăm năm ách thực dân, mà Pháp dựng lên đã bị phá bỏ. Ngày hôm sau, hàng triệu người trên khắp thế giới, những người đã đứng về bên họ trong cuộc chiến tranh đã ăn mừng cùng với Sài Gòn, với Việt Nam ngày 1/5 là Ngày chiến thắng. Ban nhạc Câu lạc bộ tháng Mười của CHDC Đức đã kịp thời sáng tác một bài hát nhân sự kiện này: "Alle auf die Strasse, rot ist der Mai, alle auf die Strasse, Saigon ist frei" (Tạm dịch: Tất cả hãy xuống đường, tháng Năm rực màu đỏ, tất cả hãy xuống đường, giải phóng rồi, Sài Gòn ta đó!).


Từ 1967 tới 1970, vợ tôi Irene và tôi, với tư cách là nhà báo ở miền Bắc Việt Nam, khi đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã được trải nghiệm cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi đã chứng kiến đất nước dưới mưa bom của Mỹ, những đau khổ không thể tả nổi, cũng như ý chí không thể khuất phục của những con người bảo vệ độc lập tự do đã giành được bằng những hy sinh không kể xiết. Chúng tôi cũng trở thành nhân chứng cho sự thất bại của cuộc xâm lược trên không dã man của Mỹ và bước ngoặt chiến lược trong cuộc đấu tranh giải phóng ở miền Nam Việt Nam sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Năm 1970, chúng tôi chia tay về nước với niềm tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam sẽ chiến thắng.



Văn Long (P/v TTXVN tại Berlin lược dịch)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN