Xác định chất độc sarin được sử dụng trong vụ tấn công tại Syra

Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc cho biết, xét nghiệm mẫu đất tại nơi xảy ra vụ không kích của quân đội Syria hôm 4/4 cho kết quả dương tính đối với chất độc sarin hoặc tương tự như sarin.

Các nạn nhân trúng chất độc hoá học tại Khan Sheikhoun, Syria ngày 4/4.

Sáng 12/4 (giờ New York), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp để bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết yêu cầu chính phủ Syria hợp tác điều tra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhun do quân nổi dậy chiếm đóng ở Syria.

Phát biểu trước HĐBA, Đại sứ Anh tại LHQ ông Matthew Rycroft cho biết các nhà khoa học Anh đã phân tích những mẫu đất lấy từ địa điểm xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria và thu được kết quả dương tính đối với chất độc sarin hoặc tương tự như sarin. Ông Rycroft cho biết thêm Anh có chung nhận định với Mỹ rằng nhiều khả năng chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad là chủ mưu "vụ tấn công bằng khí độc sarin" này - một cáo buộc đã bị chính phủ Syria và Nga bác bỏ.

 Anh, Pháp và Mỹ đã đề xuất bản dự thảo nghị quyết trên, trong đó có sửa đổi chút ít so với văn bản được trình hồi tuần trước nhằm phản ứng với vụ tấn công nghi bằng khí độc sarin. Trước thềm cuộc bỏ phiếu, hãng thông tấn Interfax đưa tin Nga sẽ sẽ phủ quyết dự thảo này vì cho rằng nội dung của văn kiện này là "không thể chấp nhận được".

Trong khi đó, ngày 12/4, Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua tuyên bố về cuộc không kích của Mỹ vào căn cứ không quân Syria. Tuyên bố kêu gọi nghị viện các nước lên án mạnh mẽ các hành động bất hợp pháp của Mỹ chống lại một quốc gia có chủ quyền là Syria, cũng như ủng hộ nỗ lực hỗ trợ giải quyết cuộc xung đột Syria trên cơ sở các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tuyên bố yêu cầu điều tra kỹ lưỡng việc Mỹ sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk tấn công quân đội Syria, đồng thời nêu rõ Mỹ trước đó cũng từng nhiều lần sử dụng vũ lực bất hợp pháp. Theo Hội đồng liên bang Nga, hành động của Mỹ cần phải được cộng đồng quốc tế đánh giá thỏa đáng như vụ Mỹ xâm lược Iraq năm 2003.

Tuyên bố cũng lên án chiến dịch tuyên truyền cho vụ việc được cho là tấn công bằng vũ khí hóa học tại tỉnh Idlib được một số nước phương Tây cùng với các đồng minh ở Trung Đông tiến hành nhằm đưa ra các cáo buộc vô căn cứ chống chính quyền hợp pháp tại Syria cũng như để biện minh cho các hành động quân sự của Mỹ. Hội đồng liên bang Nga nêu rõ trách nhiệm của một số chính trị gia và cơ quan truyền thông đã loan tải các thông tin không được kiểm chứng cũng như bị xuyên tạc một cách cố ý nhằm tạo dư luận tiêu cực của quốc tế đối với một số quốc gia.

TTXVN/Tin Tức
Cuối cùng, Tổng thống Nga Putin cũng gặp Ngoại trưởng Mỹ
Cuối cùng, Tổng thống Nga Putin cũng gặp Ngoại trưởng Mỹ

Bất chấp những dự đoán cho rằng một cuộc gặp như vậy sẽ không xảy ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang giữa hai nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối cùng đã đồng ý tiếp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Moskva.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN