WSJ: Chip Mỹ chảy từ Trung Quốc tới Nga qua Trung Á

Các tuyến thương mại xuyên khu vực ngày càng quan trọng đối với Nga nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Chú thích ảnh
Xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng của Trung Quốc sang Kazakhstan đã tăng mạnh kể từ khi xung đột ở Ukraine. Ảnh: WSJ

Nga đang tăng cường nhập khẩu hàng hóa có công dụng kép như máy bay không người lái (UAV) hay chip máy tính do Mỹ sản xuất từ Trung Quốc thông qua các tuyến thương mại Trung Á, tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin mới đây.

Như vậy, bất chấp các biện pháp của phương Tây nhằm cắt đứt các tuyến đường cung cấp này, Nga vẫn tiếp tục nhận được hàng hóa bị trừng phạt thông qua các nước bên thứ ba hoặc mua trực tiếp từ các quốc gia thân thiện. Hàng hóa và vật liệu có nguồn gốc nước ngoài như vi mạch nhập khẩu của Nga trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine cho phép Moskva chế tạo tên lửa, máy bay không người lái, v.v.

WSJ viết rằng các quốc gia như Kazakhstan hay Kyrgyzstan là một "kênh cung cấp 2cho Nga", điều này có thể thực hiện được nhờ đường biên giới dài và các hoạt động kinh doanh song phương. Nguồn cung thường có nguồn gốc từ Trung Quốc, đối tác kinh tế và chính trị lớn của Nga. WSJ đưa tin, một số hàng hóa do các công ty Mỹ sản xuất.

“Tuyến đường thương mại Trung Á đặc biệt quan trọng vì nó cung cấp lượng lớn hàng hóa do phương Tây sản xuất vào Nga", Natalie Simpson, nhà phân tích Nga tại C4ADS, một công ty nghiên cứu phi lợi nhuận chuyên về an ninh quốc gia có trụ sở tại Washington, cho biết và lưu ý tuyến đường này quan trọng không chỉ đối với các sản phẩm được sử dụng trên chiến trường mà còn đối với các mặt hàng tiêu dùng, như phụ tùng ô tô và hàng xa xỉ.

Mỹ và các đồng minh duy trì một danh sách các mặt hàng có công dụng kép bị trừng phạt, bao gồm chip máy tính, bộ định tuyến và vòng bi dùng trong xe tăng.

Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu 45 mặt hàng bị trừng phạt của phương Tây có xuất xứ từ Trung Quốc sang Kazakhstan và Kyrgyzstan đã tăng lên 1,3 tỷ USD vào năm 2023, tăng 64% so với năm trước. Ví dụ: 7 lô hàng “thiết bị máy tính” được coi là hàng hóa có công dụng kép đã được thực hiện vào tháng 6/2023 từ một công ty con của International Business Machines tại Trung Quốc đến một thương nhân ở thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan. Những lô hàng đó trị giá 3.700 USD đã được chuyển đến OOO BSO, một doanh nghiệp Nga nằm trong "danh sách đen" của Bộ Tài chính Mỹ.

Máy bay không người lái, mặt hàng không nằm trong danh sách bị trừng phạt, cũng được nhập khẩu ồ ạt vào Nga qua ngả Trung Á. WSJ đưa tin Kazakhstan đã mua máy bay không người lái trị giá 5,9 triệu USD từ Trung Quốc vào năm ngoái và xuất khẩu chúng trị giá 2,7 triệu USD sang Nga. Kazakhstan không phải là nước sản xuất máy bay không người lái lớn.

Các nước Trung Á không phải là con đường duy nhất mà Nga sử dụng để mua hàng hóa bị trừng phạt và sử dụng cho mục đích quân sự, vì các thực thể ở những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ hay Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng giúp Nga lách các lệnh trừng phạt.

Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia Ukraine cho biết vào tháng 12 năm ngoái rằng trong số khoảng 2.500 linh kiện nước ngoài được tìm thấy trong vũ khí của Nga, gần 3/4 là do các nhà chế tạo Mỹ sản xuất.

Thương mại chuyển hướng có nguồn gốc từ Trung Quốc và đi qua Trung Á chỉ ngày càng trở nên quan trọng khi các cơ quan quản lý của Mỹ và EU kiểm soát hoạt động xuất khẩu chip của chính họ. Vào năm 2022, năm đầu tiên của cuộc xung đột, lượng xuất khẩu chip trị giá hàng triệu USD của Mỹ và EU đã đến Nga thông qua Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia. Nhưng vào năm 2023, xuất khẩu chip của Mỹ và EU sang các nước này đã giảm 28% xuống còn khoảng 22 triệu USD.

Các quan chức Mỹ và châu Âu đã ép các quốc gia này và Trung Quốc kiểm soát hoạt động thương mại ngầm của họ với Nga, tăng cường nỗ lực ngăn chặn Nga lách lệnh trừng phạt thông qua bên thứ ba.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Nga đe dọa trục xuất cán bộ ngoại giao Mỹ
Nga đe dọa trục xuất cán bộ ngoại giao Mỹ

Ngày 7/3, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Mỹ tại Moskva Lynne Tracy sau khi cáo buộc các tổ chức phi chính phủ (NGO) do Washington hậu thuẫn ở Nga tuyển dụng các các nhóm hoạt động dưới vỏ bọc dự án giáo dục và văn hoá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN