Theo báo cáo gần đây của WB, FTA, FDI và du lịch đóng vai trò thiết yếu cho sự phục hồi kinh tế Campuchia do ba nguyên nhân sau.
Thứ nhất, nếu du lịch Campuchia phục hồi chậm có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vào nửa đầu 2021 nhưng sang cuối năm 2021, ngành du lịch Campuchia có thể tăng khi việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được mở rộng hơn và lòng tin của người tiêu dùng trở lại. Đồng thời việc Chính phủ Campuchia gia hạn chương trình miễn thuế hàng tháng cho các khách sạn, nhà nghỉ, đại lý du lịch và nhà hàng ở một số tỉnh sẽ giúp cải thiện tình hình.
Thứ hai, việc Campuchia mở cửa thương mại sẽ hỗ trợ phát triển. Theo báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu của DHL, Campuchia là quốc gia đứng thứ 46 trong danh mục kết nối toàn cầu của DHL. Đây là thứ hạng cao đối với một nước thu nhập trung bình thấp, điều này làm cơ sở để thu hút dòng vốn FDI. Trung Quốc sẽ vẫn là nguồn FDI lớn nhất vào Campuchia tập trung trong các lĩnh vực may mặc, dự án hạ tầng cơ sở lớn, sản xuất thiết bị điện, điện tử, nông nghiệp, khai khoáng, năng lượng, than và du lịch. Bên cạnh đó, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Malaysia, Nhật Bản và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cũng sẽ là những nước đầu tư FDI lớn vào Campuchia trong lĩnh vực may mặc, xây dựng và hạ tầng cũng như du lịch và nông nghiệp.
Thứ ba, Campuchia đã ký kết nhiều FTA khu vực như với Trung Quốc, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và sắp tới ký FTA với Hàn Quốc sẽ giúp thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu của nước này.
Trước đó, ngày 7/3, hãng thông tấn quốc gia Campuchia AKP đưa tin kim ngạch thương mại song phương Campuchia-Trung Quốc năm 2020 đạt 8,118 tỷ USD. Hiện Trung Quốc là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thị trường khách du lịch và đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia.