Vụ tên lửa S-300 rơi ở Belarus: Minsk sẵn sàng điều tra bản chất sự việc, Moskva vô cùng quan ngại

Trong khi Ukraine cho rằng tên lửa S-300 rơi ở Belarus có thể là động thái của Nga nhằm kéo Minsk vào cuộc xung đột, Moskva đã liên lạc với Minsk để thảo luận về tình hình

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Reuters

Phát biểu trước truyền thông vào hôm 30/12, Người phát ngôn Dmitry Peskov nói rằng việc tên lửa nghi của Ukraine xâm phạm không phận Belarus là điều vô cùng quan ngại đối với Điện Kremlin.

Theo đài RT (Nga), ông Peskov cho biết Belarus cũng có cùng quan điểm với Nga và hai quốc gia đã liên lạc để thảo luận về tình hình.

“Mức độ đối thoại cao nhất có thể và sự tin tưởng lẫn nhau cho phép chúng tôi trao đổi thông tin nhạy cảm nhất một cách nhanh chóng”, ông Peskov nói.

Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cho biết thêm rằng Minsk đã thực hiện một số động thái sau vụ việc, bao gồm cả việc đưa ra khiếu nại tới Kiev.

Hôm 29/12, Bộ Quốc phòng Belarus cho biết lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ tên lửa S-300 phóng từ hướng Ukraine vào khu vực Brest, cách biên giới với Ukraine khoảng 15 km, vào khoảng 10 giờ sáng (giờ địa phương).

Trước đó, hãng thông tấn nhà nước Belarus BelTA đã đưa tin một tên lửa S-300 nghi của Ukraine đã rơi xuống lãnh thổ Belarus trong bối cảnh Nga đang thực hiện một trong những cuộc tấn công bằng tên lửa quy mô lớn nhất nhằm vào Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.

Các nhà điều tra Belarus cho rằng tên lửa Ukraine có thể đã đi chệch hướng và rơi xuống Belarus, hoặc có thể đã bị lực lượng phòng không Belarus phá hủy giữa không trung. Sau khi điều tra, họ xác định chính lực lượng Belarus đã bắn hạ tên lửa.

Ông Kirill Kazantsev, Chỉ huy lực lượng phòng không Belarus, cho biết vẫn còn nhiều câu hỏi về bản chất của sự việc. Vị chỉ huy này nói rằng vụ việc có thể là hành động khiêu khích có chủ ý. Khả năng khác, đây có thể là tai nạn do trục trặc vũ khí hoặc kỹ năng yếu kém của Quân đội Ukraine.

Vụ việc xảy ra khi các quan chức ở Belarus cáo buộc Ukraine tập trung quân đội và thiết lập các vị trí bắn xuyên biên giới. Chính phủ Belarus đã hạn chế di chuyển ở một số khu vực biên giới vào tuần trước với lý do căng thẳng với Ukraine.

Oleg Konovalov – quan chức tại khu vực Brest của Belarus – nói với người dân địa phương rằng, vụ việc không quá lo ngại. Ông Konovalov đã so sánh vụ việc này với vụ tên lửa S-300, nghi do Ukraine khai hoả, rơi xuống lãnh thổ Ba Lan – một nước thành viên của NATO. Vụ việc đã khiến hai người thiệt mạng.

Chú thích ảnh
Mảnh vỡ tên lửa nghi của Ukraine. Ảnh: Telegram/@belarusian_silovik

Về phần mình, Ukraine cho rằng tên lửa S-300 mà Belarus bắn hạ trên lãnh thổ nước này có thể là động thái của Nga nhằm kéo Minsk vào cuộc xung đột.

“Phía Ukraine không loại trừ khả năng đó là hành động khiêu khích có chủ ý từ phía Nga. Nước đã đặt đường bay như vậy cho các tên lửa hành trình của mình để kích động sự đánh chặn trong không phận bên trên lãnh thổ Belarus”, Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 29/12 ra tuyên bố cho hay.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết sẵn sàng điều tra sự việc, với điều kiện cuộc điều tra này có sẽ có sự tham gia của các chuyên gia từ các quốc gia không hỗ trợ Nga dưới bất kỳ hình thức nào.

Belarus là đồng minh thân cận của Nga và cho phép nước láng giềng sử dụng lãnh thổ của mình trong pchiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.  Tuy nhiên, Belarus khẳng định sẽ không điều động lực lượng quân đội tới nước láng giềng tham chiến.

Về phần mình, Ukraine đã bắt đầu xây dựng một bức tường và hệ thống hào dọc biên giới với Belarus ở tỉnh Volyn phía Tây Bắc. Các nhà phân tích cho rằng các hệ thống này nhiều khả năng là nhằm ngăn chặn người di cư vượt biên hơn là vì mục đích quân sự.

Hải Vân/Báo Tin tức
Ukraine: Ngoại trưởng đề cập tới bước ngoặt tâm lý, Bộ trưởng Quốc phòng nói về tổn thất của Nga
Ukraine: Ngoại trưởng đề cập tới bước ngoặt tâm lý, Bộ trưởng Quốc phòng nói về tổn thất của Nga

Trong khi Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố việc Mỹ cung cấp cho nước này hệ thống tên lửa phòng không Patriot là “bước ngoặt tâm lý” thì Bộ trưởng Quốc phòng nước này cho rằng Nga phải mất ít nhất 5 năm hoặc thậm chí 1 thập kỷ để khôi phục lực lượng, thiết bị và năng lực tên lửa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN