Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Biến thảm kịch thành cơ hội để đào tạo và phát triển ngành nghề thủ công

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, ngày 18/4, Bộ trưởng Lao động Muriel Pénicaud đã có cuộc họp với đại diện các nghiệp đoàn thủ công mỹ nghệ để phát động chiến dịch mang tên "Công trường nước Pháp".

Chú thích ảnh
Nhân viên cứu hỏa kiểm tra mức độ thiệt hại sau vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 16/4. Ảnh: THX/TTXVN

Chiến dịch này có mục tiêu đào tạo các tay nghề trẻ tuổi nhằm đẩy nhanh tiến độ phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris. Trước đó, Tổng thống Emmanuel Macron, ngày 17/4, đã đưa ra ý tưởng huy động hàng nghìn lao động trẻ, cũng như phối hợp với tất cả các doanh nghiệp, nghệ sĩ và thợ thủ công từ mọi miền đất nước để hoàn thành cam kết phục dựng nhà thờ trong 5 năm. 

Danh sách các ngành nghề liên quan gồm có thợ xây, thợ lợp, thợ làm khung gỗ vòm, thợ khắc đá, thợ mộc, thợ làm kính màu, thợ chế tạo đàn organ, họa sĩ và nghệ sĩ trang trí nội thất. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lao động, vẫn còn quá sớm để xác định mức độ đào tạo. Trước tiên là phải thống kê được số lượng thực tế những lao động chuyên môn hiện có thể huy động trên khắp nước Pháp. Ông Jean-Claude Bellanger, Tổng thư ký Nghiệp đoàn thợ thủ công Pháp, cho rằng cần phải có 550 lao động, gồm 200 thợ lợp, 150 thợ làm mái vòm, 100 thợ xây và 100 thợ khắc đá. Một số chuyên gia khác thì cho rằng số lao động thủ công mỹ nghệ phải tăng gấp 3 lần so với hiện nay.

Theo Bộ trưởng Lao động Pháp, thảm kịch Nhà thờ Đức Bà Paris ở một khía cạnh nào đó sẽ là cơ hội để đào tạo và phát triển các ngành nghề thủ công. Mục tiêu nhằm thu hút những lao động trẻ đến với các ngành nghề thú vị này. Bộ trưởng nhấn mạnh đây là những ngành nghề có triển vọng, bởi nhu cầu lao động trên các công trình bảo tồn di sản ngày càng tăng. Bộ trưởng khẳng định Pháp có nhiều kỹ năng trong việc xây dựng lại nhà thờ. Những kỹ năng này không những không bị thất truyền từ thời Trung cổ, mà ngược lại chúng ngày càng phong phú nhờ các kỹ thuật mới. 

Theo dự kiến, lao động trẻ có thể bắt đầu đăng ký học việc từ tháng 9 tới. Cho dù phải cần nhiều thời gian để xây dựng kế hoạch và kịch bản phục dựng cũng như lựa chọn vật liệu, nhưng Pháp đã có sẵn một hệ thống đào tạo tân tiến và sẵn sàng được mở rộng cho các nghành nghề thủ công mỹ nghệ ngay từ năm học tới. Theo Bộ trưởng Lao động, không chỉ thanh niên mà ngay cả những lao động trung niên đang trong quá trình tìm việc làm cũng có thể đăng ký học việc. Bộ trưởng mong muốn rằng phần thực hành của các khóa đào tạo này sẽ được thực hiện ngay trên công trường Nhà thờ Đức Bà Paris.

Bộ trưởng cho biết tất cả đại diện các nghiệp đoàn thủ công mỹ nghệ đã đồng ý tham gia chiến dịch đào tạo lao động, với mong muốn xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà một cách tự hào và thậm chí còn đẹp hơn.

Vũ Mai Linh Hương (TTXVN)
Gặp gỡ lính cứu hỏa robot 'tả xung hữu đột' giữa biển lửa Nhà thờ Đức Bà Paris
Gặp gỡ lính cứu hỏa robot 'tả xung hữu đột' giữa biển lửa Nhà thờ Đức Bà Paris

Khi ngọn lửa bùng phát dữ dội có thể khiến cả công trình đổ sập bất kỳ lúc nào, lực lượng cứu hỏa Pháp đã phải triển khai robot Colossus – một thiết bị di động giúp phun nước bên trong tòa nhà đang cháy mà không cần sự có mặt của con người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN