Việt kiều Mỹ lo ngại bạo động ở Ferguson

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder ngày 20/8 đã tới thị trấn Ferguson thuộc bang Missouri, nơi đã liên tục xảy ra các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình trong 11 ngày qua sau khi xảy ra vụ cảnh sát da trắng bắn chết một thanh niên da đen không có vũ trang. Chuyến thăm được tiến hành sau khi đã có khoảng 100 người bị bắt giữ kể từ ngày xảy ra án mạng hôm 9/8.

Cảnh sát tạm giữ một người biểu tình quá khích ở đại lộ Tây Florissant tại Ferguson, Missouri ngày 19/8. Ảnh: AFP/ TTXVN


Theo phóng viên TTXVN tại Washington, nhật báo “St. Louis Post” số ra ngày 20/8 đã trích dẫn các lời phát biểu của Bộ trưởng Holder khi tới Ferguson, trong đó ông kêu gọi xây dựng lòng tin giữa lực lượng thực thi pháp luật và cộng đồng dân cư địa phương. Người đứng đầu ngành tư pháp Mỹ cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, công bằng và độc lập về vụ án mạng đang gây bức xúc trong cộng đồng dân cư gồm 21.000 người ở Ferguson, mà chủ yếu trong số đó là người da màu.

Ngoài ra, ông cũng cho biết các nhân viên Bộ Tư pháp cũng đang làm việc với cảnh sát, các nhà lãnh đạo dân quyền và đại diện của các cộng đồng dân cư địa phương để bảo đảm có thể san lấp cách biệt giữa giới thực thi pháp luật và các cộng đồng dân cư.

Trong thời gian có mặt ở Ferguson, Bộ trưởng Holder sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo các cộng đồng, các nhân viên Cục điều tra liên bang (FBI) và giới chức dân quyền liên bang để nắm bắt những diễn biến mới nhất cũng như các biện pháp xử lý liên quan tới vụ rắc rối mang tính phân biệt chủng tộc.

Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder tới Ferguson chỉ vài giờ sau khi có thêm gần 50 người biểu tình bị bắt giữ, nâng tổng số người bị cảnh sát bắt kể từ khi xảy ra vụ việc lên khoảng 100 người. Hầu hết những người này bị bắt do đã có các hành vi đập phá, gây rối, hoặc vi phạm lệnh giới nghiêm do Thống đốc bang Jay Nixon ban bố. Văn phòng công tố và Văn phòng thẩm phán quận St. Louis ra thông báo cho biết sẽ tiếp tục cung cấp những bằng chứng cho bồi thẩm đoàn điều tra về vụ thanh niên da màu Michael Brown bị bắn chết.

Trong khi đó, trên các đường phố Ferguson, các đoàn người biểu tình vẫn tiếp tục hô khẩu hiệu phản đối hành động trấn áp của cảnh sát và lực lượng vệ binh quốc gia, đòi bắt giữ và đưa viên cảnh sát da trắng Darren Wilson ra xét xử. Những người biểu tình nhất mực cho rằng chính Darren Wilson bắn chết Michael Brown trong lúc chàng trai này đã giơ tay quy hàng cảnh sát.

Liên quan tới vụ này, báo chí tiếng Việt ở Mỹ ngày 20/8 cho biết tình trạng biểu tình bạo động kéo dài ở thị trấn Ferguson đang khiến cộng đồng người Việt sinh sống ở những khu vực kế cận lo ngại. Một số cư dân gốc Việt sinh sống ở khu vực cách trung tâm vụ bạo động không xa cho biết tình trạng đập phá, nạn hôi của và bạo loạn ở Ferguson đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc làm ăn, kinh doanh của cư dân các vùng lân cận, tạo tâm lý bất an cho mọi người.

Nhiều người ở Mỹ cho rằng vụ án liên quan đến tình trạng phân biệt sắc tộc, một vấn đề lâu nay vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội Mỹ. Giám mục Edwin Bass, một nhà lãnh đạo tinh thần ở Ferguson, cũng cho rằng hiện vẫn có một sự chia rẽ khá lớn giữa người da đen và người da trắng ở Mỹ. Theo ông, tình trạng này sẽ khó có thể được giải quyết hoàn toàn nếu "chưa có một sự tương tác thật sự".

Giám mục Edwin Bass là một trong số những nhà lãnh đạo tôn giáo ở Ferguson đã có cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder. Ông cho rằng một cuộc điều tra toàn diện của Bộ Tư pháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng và sẽ quyết định việc mang lại hòa bình hay rối loạn cho cộng đồng dân cư Ferguson tùy theo tính thỏa đáng của kết luận được đưa ra.


TTXVN/Tin tức

Cảnh Ferguson như vùng chiến sự
Cảnh Ferguson như vùng chiến sự

Cảnh sát Mỹ phải sử dụng tới hơi cay và lựu đạn gây choáng nhằm vào những người biểu tình ở thị trấn Ferguson thuộc bang Missouri. Bạo lực tiếp tục leo thang khiến Ferguson giống như một khu vực chiến sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN