Viêng Chăn hướng tới tầm nhìn 2030

Viêng Chăn từ lâu được ví như một hòn ngọc xanh bên bờ Mê Công thơ mộng, êm đềm. Nhưng trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, thủ đô của nước CHDCND Lào đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó tăng dâNghiêngn số và tắc nghẽn giao thông là những bức xúc của cả người dân Viêng Chăn và du khách tới thăm “hòn ngọc” này.

Vòng xuyến 450 năm Viêng Chăn do Việt Nam giúp xây dựng.


Để phát triển thành phố theo hướng bền vững, chính quyền Viêng Chăn đã xây dựng đề án tổng thể tầm nhìn 2030. Theo đó, thủ đô Viêng Chăn sẽ phát triển thêm nhiều tiểu trung tâm nhằm mở rộng thành phố và giảm tắc nghẽn giao thông. Các tiểu trung tâm mới, hay còn gọi là đô thị vệ tinh, bao gồm các địa danh KM21, Thanlaeng, Dongdok, Naxaithoong và thị trấn đường sắt - nơi sẽ có sân ga của tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung Quốc dự kiến hoàn thành vào năm 2015.

Tại những đô thị vệ tinh này sẽ có nhiều cơ quan chính phủ, trường học, khu dân cư, siêu thị… Mục đích của việc chuyển các cơ quan nhà nước, nhà máy rời xa trung tâm thành phố cũng như xây dựng các tiểu trung tâm là nhằm giãn mật độ dân cư, giảm ách tắc giao thông do ngày càng nhiều người từ các vùng nông thôn lên thành phố mưu sinh. Bên cạnh đó, việc cải thiện mạng lưới đường sá, vận tải công cộng, bảo tồn các công trình di sản và lịch sử, xây dựng nhiều công trình mới cũng được hoạch định rất chặt chẽ.

Theo dự kiến, chiều cao tối đa của các công trình xây dựng trong khu bảo tồn lịch sử là 12 mét và trong khu bảo tồn phố cổ là 7 mét; còn tại khu trung tâm mới, khu hành chính và khu trung tâm thương mại là 26 mét. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể xây dựng các tòa cao ốc lên đến 50 mét ở các vùng ngoại ô, song phải đáp ứng các điều kiện đặc biệt liên quan đến không gian mở, không gian xanh, tiện nghi có mái che vì lợi ích công cộng và chống cháy.

Công viên Xay Xet Tha – quà tặng của Chính phủ Việt Nam.


Thành phố Viêng Chăn có diện tích 3.920 km2, gồm 9 quận, huyện với dân số khoảng 800.000 người và dự kiến sẽ tăng gấp 2 lần vào năm 2030. Tuy nhiên, Viêng Chăn hiện mới chỉ đạt 0,6 m2 công viên công cộng/người, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế 2,6 m2/người. Vì vậy đây cũng là vấn đề cần quan tâm để nâng cao dân trí và sức khỏe cho người dân.

Với tầm nhìn 2030, chắc chắn thủ đô Viêng Chăn sẽ đẹp và phát triển hơn nhiều. Trong sự thành công đó có một phần đóng góp của Việt Nam. Những công trình do Việt Nam giúp Lào xây dựng trên đất Viêng Chăn có ý nghĩa kinh tế, xã hội thiết thực để lại một dấu ấn tốt đẹp cho người dân thủ đô.

Trả lời phóng viên TTXVN tại Lào, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Lào Somsavad Lengsavath khẳng định, những công trình xây dựng của Việt Nam ở Viêng Chăn như Quảng trường Thạt Luổng, Công viên Xay Xet Tha và Vòng xuyến 450 năm Viêng Chăn, Trung tâm thương mại Thạt Luổng, Trường Chính trị Hành chính Thủ đô Viêng Chăn, khu đô thị mới Nỏngthà, quận Chănthabuli, một phần công trình Tòa đô chính thành phố… không những có ý nghĩa kinh tế, xã hội trước mắt đối với Viêng Chăn mà còn có giá trị lâu dài về nhiều mặt trong quá trình phát triển của thủ đô. Những công trình này còn giúp thế hệ trẻ mãi mãi ghi nhớ tình cảm anh em thân thiết thủy chung của hai nước Việt - Lào.

Bài và ảnh: Hoàng Chương (P/v TTXVN tại Lào)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN