Vì sao nội chiến ở Ukraine có thể kéo dài?

Báo Độc lập (Nga) ngày 5/6 nhận định cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn ở Ukraine đã không thể trở thành yếu tố đem lại ổn định cho miền đông nước này.

           

Quốc kỳ Ukraine nhuốm máu và những "mảnh vỡ chiến tranh". Ảnh: Reuters


Liên tục những ngày qua đều là những ngày chiến sự hết sức căng thẳng tại tỉnh Donbass và Lugansk, khi lực lượng dân quân ở hàng loạt địa phương "thừa thắng" tiếp tục mở các cuộc tiến công quân chính phủ. Ở Lugansk, lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine đã bị quân nổi dậy qua mặt, trong khi tại Donbass hai bên vẫn giằng co trong những trận chiến đẫm máu, mà thiệt hại nặng nề hơn vẫn nghiêng về quân chính phủ.

           

Trong khi đó, sự thù địch giữa hai phe vốn đều là những người mang quốc tịch Ukraine ngày càng gia tăng, mang tính chất ngày càng dã man hơn. Thủ tướng tự xưng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, ông Alexander Boroday tố cáo quân chính phủ tấn công họ khiến nhiều dân quân của nước cộng hòa tự xưng này phải chịu thương vong và nằm la liệt trong các bệnh viện. Còn tại Lugansk, máy bay chiến đấu ném bom tòa nhà chính quyền thành phố và nhiều trụ sở công quyền khác khiến hơn 30 dân thường thiệt mạng. Tuy nhiên, lực lượng dân quân tiếp tục chiếm giữ các khu dân cư chính ở miền đông Ukraine.

           

Điều đáng lo ngại, theo nhận định của tờ Độc lập, vốn đang trên thế thắng, phe ly khai ở miền Đông Ukraine liên tiếp mở những đợt tiến công mới, bất chấp thực tế là các lực lượng vũ trang Ukraine đang ngày càng được chính quyền cho phép sử dụng vũ khí hạng nặng như xe tăng, máy bay và pháo binh... để trấn áp lực lượng ly khai nhằm vãn hồi trật tự. Có thể nói, chính quyền Kiev vẫn chưa hết hy vọng tiến hành một cuộc chiến chớp nhoáng để vãn hồi trật tự ở các tỉnh miền đông, như phát biểu của tân Tổng thống Pertro Poroshenko ngay sau cuộc bầu cử. Nhưng rõ ràng một chiến thắng nhanh chóng đã không đến với lực lượng chính phủ. Các cuộc tiến công lẫn nhau đang ngày càng đẩy Ukraine vào cảnh "nồi da nấu thịt". Chiến dịch chống khủng bố (ATO) mà chính quyền phát động đã kéo dài hơn một tuần, nhưng thành công quân sự rõ ràng không thấy đâu, trong khi máu của người dân vô tội không ngừng chảy. Có lẽ đã đến lúc giới chức Kiev cần sớm đặt ra những câu hỏi đâu là lý do thất bại quân sự của họ ở miền đông, cũng như cần đề ra chiến lược rõ ràng hơn cho các hoạt động quân sự nhằm thu phục các "nước cộng hòa nổi loạn", mới mong có thể tái ổn định tình hình đất nước.

           

Những mảnh kính vỡ vụn, vấy máu sau xung đột tại Donetsk ngày 27/5. Ảnh: Reuters


Các nhà phân tích cũng nhận định rằng dường như Kiev sẽ không thể "bắt chước" Nga dùng vũ lực để trấn áp các phần tử ly khai, giống như Điện Kremlin đã từng làm ở Chechnya. Thực tế tại hai quốc gia này hoàn toàn không giống nhau. Điện Kremlin kiên quyết trấn áp các hành động ly khai, khủng bố tại khu vực Bắc Kavkaz, khi thực lực kinh tế, quân sự của Nga hết sức vững mạnh. Trong khi đất nước Ukraine lúc này đang chìm trong nợ nần, ngân khố trống rỗng và một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng.

           

Đó là chưa kể tương quan lực lượng giữa quân đội và nhiệm vụ mà họ phải thực hiện. Quả thật, vùng đất đòi ly khai Chechnya nhỏ hơn nhiều so với diện tích các tỉnh đòi ly khai ở miền đông Ukraine. Thế nhưng, Nga đã điều động được một lực lượng đáng kể với khoảng 120.000 binh sĩ tham gia chống khủng bố, chống ly khai. Trong khi con số này của Ukraine, theo ước tính của các chuyên gia chỉ vào khoảng 35-40.000 quân hiện đang đồn trú tại các tỉnh miền đông. Không gian mà quân chính phủ Ukraine có nhiệm vụ vãn hồi trật tự rộng hơn ba lần so với ở Chechnya, trong khi số lượng dân thường tại đây là hơn 6 triệu người.

           

Một nguyên nhân khác khiến quân chính phủ Ukraine có thể bị sa lầy lâu dài tại các tỉnh miền đông ly khai là lực lượng này không có đủ kinh nghiệm trấn áp ly khai. Hơn nữa quân chính phủ chủ yếu gồm các binh sĩ chưa được huấn luyện tốt, chỉ biết sử dụng pháo binh và các đòn không kích, điều đó khiến gây thương vong không nhỏ cho dân thường. Thậm chí, các chuyên gia quân sự Nga còn đặt dấu hỏi chính quyền Ukraine đang cố gắng vãn hồi trật tự hay họ đang "trừng phạt" dân thường ở các tỉnh miền đông? Đây là lý do vì sao Nga khẩn thiết kêu gọi thành lập các hành lang nhân đạo ở miền đông Ukraine.

           

Bài báo kết luận: Nga với tiềm lực kinh tế và quân sự hùng hậu, đã phải mất gần 20 năm để thiết lập trật tự hiến pháp ở Bắc Kavkaz. Bởi vậy quá trình Ukraine trấn áp các phong trào ly khai, đòi liên bang hóa Ukraine, lập lại trật tự tại các tỉnh miền Đông có thể phải mất nhiều thời gian, cũng như cần một thể chế nhà nước hùng mạnh và các khoản chi tiêu quân sự lớn. Ukraine rõ ràng không có những điều kiện này. Bởi vậy, giải pháp khôn khéo nhất đối với tân Tổng thống Poroshenko, có lẽ là nên dùng các phương pháp phi quân sự, thương thuyết để giải quyết vấn đề, mới mong có thể sớm vẫn hồi trật tự và sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

 

 

Quế Anh

 

Nga, Mỹ không muốn Ukraine là một quân tốt đen
Nga, Mỹ không muốn Ukraine là một quân tốt đen

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã nhất trí rằng họ không muốn Ukraine là một “quân tốt đen” trong cuộc tranh giành quyền lực giữa Phương Đông và Phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN