Về ‘Đại chiến lược của Mỹ’ đối phó với Trung Quốc

Mới đây, Hội đồng Quan hệ đối Ngoại (CFR), một tổ chức nghiên cứu độc lập có ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ, đã cho công bố một báo cáo kêu gọi Washington thực thi chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Dưới tiêu đề “Điều chỉnh lại Đại chiến lược của Mỹ trước Trung Quốc”, báo cáo do Robert D. Blackwill và Ashley J. Tellis - những học giả có quan hệ thân thiết với Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như nhiều tổ chức nghiên cứu độc lập khác, mang hơi hướng của một nghị trình chiến tranh.

Điểm xuyên suốt trong tài liệu này chính là nhận định: Thế bá chủ toàn cầu của Mỹ đang bị đe dọa bởi sự nổi lên của Trung Quốc và cần phải đảo ngược tiến trình này bằng các công cụ kinh tế, ngoại giao, quân sự. Trong phần mở đầu, các tác giả đã trích dẫn Báo cáo chỉ dẫn chính sách Quốc phòng (1992), được Lầu Năm góc soạn thảo sau sự sụp đổ của Liên Xô, để khẳng định mục tiêu chiến lược của Mỹ là “không để xuất hiện một đối thủ tiềm tàng nào có đủ sức cạnh tranh với Mỹ”.

Quan hệ Mỹ - Trung: Đối tác hợp tác hay đối thủ cạnh tranh? Ảnh: AP


Báo cáo phân tích: Những nỗ lực của Mỹ trong việc “lôi kéo” Trung Quốc hội nhập vào trật tự “thế giới tự do” giờ đã tạo ra những đe dọa mới đối với ưu thế vượt thắng của Mỹ ở châu Á và cuối cùng là thách thức quyền lực Mỹ ở phạm vi toàn cầu. Do vậy, chính quyền Washington cần một đại chiến lược nhằm vào Trung Quốc, hướng trọng tâm vào việc cân bằng sự trỗi dậy của quyền lực Trung Hoa thay vì cố gắng tạo điều kiện để cho quyền lực này phát triển. Đơn cử như về kinh tế, Mỹ ủng hộ Trung Quốc gia nhập hệ thống thương mại toàn cầu và điều đó đã tạo ra những tình huống “rắc rối” mà ở đó chính Washington đã giúp sức Bắc Kinh thúc đẩy kinh tế và nói rộng hơn là tạo ra một địch thủ địa chính trị.

Để thúc đẩy “đại chiến lược” của Mỹ, Blackwill và Tellis đặc biệt quan tâm đến các thành tố kinh tế. Theo đó, ngoài việc làm “hồi sinh” nền kinh tế trong nước, Mỹ cần “xây dựng một chuỗi các quan hệ thương mại ở châu Á không bao gồm Trung Quốc” thông qua các quan hệ đồng minh, đối tác; thiết lập cơ chế kiểm soát các mặt hàng công nghệ xuất sang Trung Quốc. Nổi bật trong số này chính là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một vấn đề mà Quốc hội Mỹ cần trao cho Tổng thống Barack Obama quyền đàm phán nhanh để sớm hoàn tất.

Tập trung vào kinh tế không có nghĩa là xem nhẹ yếu tố quân sự. Báo cáo diễn giải chi tiết giải pháp Mỹ cần thực hiện để củng cố sức mạnh quan hệ đồng minh, đối tác tại châu Á. Trên hướng này, quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ là nền tảng, phải được mở rộng diện “phủ sóng” ở toàn châu lục. Mỹ cần đưa Nhật Bản là một thành tố trong các khái niệm tác chiến của Mỹ như “Tác chiến không-biển”; đồng thời giúp Nhật Bản tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD). Hàn Quốc cũng là một đối tác mà Mỹ cần hướng đến, nhất là về BMD.

Australia được nhìn nhận là “mỏ neo phía Nam” của Mỹ ở Thái Bình Dương. Các học giả kêu gọi Lầu Năm góc sử dụng căn cứ hải quân Stirling ở miền Tây Australia để “hỗ trợ phân bố lực lượng hải quân của Mỹ tại khu vực”. Hai bên cũng cần triển khai các trạm do thám, thiết bị do thám không người lái ở đảo Cocos ở Ấn Độ Dương, nhanh chóng “xác định tiềm năng đóng góp của Austrlia về phòng thủ tên lửa đạn đạo”.

Trên mặt trận chính trị, báo cáo khuyến nghị Mỹ củng cố, xây mới các quan hệ chiến lược và đối tác được thiết lập và ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ủng hộ các quốc gia châu Á có “khả năng đối phó với Trung Quốc” một cách động lập; thúc đẩy các quan hệ nội Á nhằm tạo đối trọng trước Trung Quốc mà ở đó Mỹ có thể chỉ cần đứng ngoài hỗ trợ.

Ở phần cuối, báo cáo “đại chiến lược” này kết luận, không thể có bất kì một hình thức hòa nhập nào giữa Mỹ và Trung Quốc, vì “không thể có viễn cảnh về ‘xây dựng lòng tin căn bản’, ‘cùng tồn tại hòa bình’, ‘quan hệ nước lớn kiểu mới’, ‘hiểu biết chung’ giữa Mỹ và Trung Quốc”.


Hoài Thanh (Theo CFR)

Sóng gió trước cuộc gặp song phương Mỹ - Trung
Sóng gió trước cuộc gặp song phương Mỹ - Trung

Trước khi lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có cuộc gặp song phương tại hội nghị APEC, sóng gió là từ được dùng để mô tả mối quan hệ giữa hai quốc gia này. Nhiều kỳ vọng được đặt ra, song chỉ dừng lại ở mức độ "khiêm tốn".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN