Vấn nạn rượu giả ở Trung Quốc

Trung Quốc từ lâu đã “khét tiếng” trong sản xuất những chiếc đồng hồ hay những chiếc túi hàng hiệu giả trông như thật. Giờ đây, quốc gia này còn trở thành “thiên đường” rượu vang giả khiến các cơ quan chức năng đau đầu.


Nhân viên một cơ quan thương mại và công nghiệp Trung Quốc trình bày cách phân biệt rượu thật và giả.


Với lượng tiêu thụ trung bình chỉ khoảng 1 lít rượu/người/năm, người Trung Quốc không uống rượu vang nhiều như người Pháp. Nhưng họ đang uống ngày càng nhiều và có khả năng trở thành nước tiêu thụ nhiều rượu vang thứ sáu thế giới vào năm 2014.

Năm ngoái, Trung Quốc đại lục và đặc khu hành chính Hồng Công đã trở thành những khu vực tiêu thụ rượu Bordeaux lớn nhất thế giới. Trong ba năm qua, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã mua lại các nhà máy sản xuất rượu vang ở Bordeaux (Pháp). Giới thượng lưu Trung Quốc sẵn sàng vung đến gần 8.000 USD để mua một chai Chateau Lafite Rothschild sản xuất năm 1982 ở Bordeaux.

Giải thích cho điều này, anh Wang Li, một người đang tham gia khóa học nếm rượu ở thủ đô Bắc Kinh, nói: “Rượu sang thể hiện rằng người mua nó có địa vị xã hội cao. Ở Trung Quốc, hai yếu tố quan trọng khi chọn mua rượu là thương hiệu nổi tiếng và giá cao”.

Đây chính là điều kiện để nạn làm rượu giả tràn lan ở Trung Quốc. Những “vua” làm đồ giả Trung Quốc đã nhảy vào thị trường rượu béo bở này và rượu vang Pháp đã trở thành một trong số những “nạn nhân” chính của nạn làm giả.

Ông Romain Vandevoorde, giám đốc công ty nhập khẩu rượu vang Le Baron, thốt lên: “Chỗ nào cũng có rượu giả, từ chỗ bình dân cho đến chỗ cao cấp. Ở Trung Quốc, chai Lafite 82 còn nhiều hơn số chai được sản xuất tại Pháp”.

Theo các chuyên gia, khó mà ước tính được ảnh hưởng của nạn làm rượu giả đối với ngành sản xuất rượu của Trung Quốc. Giá rượu giả dao động từ mức 90 nhân dân tệ cho đến 35.000 nhân dân tệ.

Tại các hội chợ về rượu ở Trung Quốc, nhiều người bán trơ tráo công khai bày bán những chai rượu giả, trong đó nhiều chai được làm nhái một cách lộ liễu. Siêu thị và cửa hàng cũng đầy rượu giả. Người ta có thể thấy những chai vang mang mác Bordeaux được bán với giá cao ngất ngưởng trong khi thành phần chỉ là nước đường, các chất tạo màu cùng hương vị rượu giả.

Khi mua rượu, muốn phân biệt rượu thật hay giả, một yếu tố đáng ngờ và cần xem xét là những chai rượu thượng hạng lại được bán với giá thấp một cách bất thường. Một số chai rượu còn có nhãn mác lập lờ khi ghi Laffite hay Lafitte thay vì tên chuẩn của Pháp là Fafite.

Tuy nhiên, theo ông Vandevoorde, ngoài những chai nhái lộ liễu, những chai rượu được làm giả một cách tinh vì và trông như thật cũng xuất hiện rất nhiều ở Trung Quốc. Người làm giả thường dùng lại vỏ chai rượu đắt tiền. Do đó, nghề buôn bán vỏ chai rất phổ biến ở đây, thậm chí vỏ chai của những loại rượu đắt tiền còn được rao bán trên mạng Internet. Sau khi mua vỏ chai thật, người ta đổ vào đó loại rượu vang chất lượng thấp của Bordeaux mà hương vị của nó cũng na ná loại được ghi trên nhãn chai. Người ta pha trộn khéo đến mức những người thử rượu sành nhất còn bị nhầm lẫn.
Dù người mua rượu ngày càng sành sỏi hơn và họ chủ động học cách phân biệt rượu thật giả nhưng không vì thế mà thị trường rượu giả ở Trung Quốc kém phát triển.

Trước thực trạng đó, nhiều lớp học thử rượu đã xuất hiện ở Trung Quốc. Wen An, người mở khóa học thử rượu mang tên Easescent ở Bắc Kinh từ năm 2004, cho biết, anh đã dạy cho 10.000 người cách phân biệt rượu. Theo anh, những người tiêu dùng này sẽ góp phần đấu tranh chống lại vấn nạn rượu giả. Anh nói với phóng viên hãng AFP: “Khi người Trung Quốc có thể phân biệt rượu xịn và rượu giả, họ sẽ không còn chọn nhầm rượu giả nữa”.

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN