Vẫn bất đồng về giải pháp đối với Libi

Các nước trên thế giới vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về giải pháp đối với cuộc khủng hoảng chính trị tại Libi khi ngày 4/3 liên tục đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh Oasinhtơn đang xem xét “mọi lựa chọn” đối với Libi, bao gồm việc lập vùng cấm bay ở nước này. Ông Obama cũng xác nhận đã cho phép quân đội Mỹ sử dụng máy bay quân sự để hỗ trợ đưa người tị nạn ra khỏi Libi và điều động một số đơn vị đến biên giới Libi để hỗ trợ điều phối các hoạt động viện trợ nhân đạo. Đề cập tới Tổng thống Libi Moamer Kadhafi, Tổng thống Obama tuyên bố ông Kadhafi đã mất tính hợp pháp để lãnh đạo đất nước và “phải ra đi”.

Lực lượng chống chính phủ Libi ở Brega ngày 4/3. Ảnh: THX - TTXVN


Đức tuyên bố phản đối mọi sự can thiệp quân sự của nước ngoài ở Libi. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle khẳng định sẽ không tham gia và cũng không thảo luận về can thiệp quân sự vì cho rằng biện pháp này sẽ phản tác dụng.

Ông Westerwelle đề nghị cộng đồng quốc tế tiếp tục áp dụng những biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép để Tổng thống Kadhafi từ chức. Về kế hoạch lập vùng cấm bay tại Libi, ông Westerwelle cũng cho rằng chưa đủ điều kiện để quyết định việc này.

Trái với quan điểm của Đức, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe khẳng định, Anh và Pháp ủng hộ ý tưởng lập vùng cấm bay ở Libi. Về phần mình, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết hiện Anh và Pháp muốn thực hiện các biện pháp “mạnh bạo” và có ý định đề xuất tại cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU) về tình hình Libi vào tuần tới.

Trung Quốc nhấn mạnh cần phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Libi và HĐBA LHQ phải là nơi đưa ra quyết định về các động thái quốc tế trong tương lai đối với quốc gia Bắc Phi này.

Trong lời cảnh báo nghiêm trọng nhất của một nhà lãnh đạo thế giới về tình hình hiện nay ở Libi, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, Libi “đang bên bờ vực của một cuộc nội chiến”.

Trong khi đó, bế tắc chính trị tại Libi vẫn chưa được tháo gỡ khi lực lượng chống chính phủ bác bỏ đề xuất của Tổng thống Vênêxuêla Hugo Chavez làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng chính trị Libi. Người phát ngôn của Hội đồng dân tộc thuộc phe đối lập tuyên bố không bao giờ đàm phán với Tổng thống Kadhafi.

Trước đó, trong cuộc điện đàm với ông Kadhafi ngày 3/3, Tổng thống Chavez đề xuất thành lập một ủy ban hòa bình gồm đại diện các nước khu vực Mỹ Latinh, châu Âu và Trung Đông nhằm đi đến một giải pháp thông qua thương lượng để tránh xảy ra nội chiến ở Libi. Tổng thống Kadhafi đã nhất trí với đề xuất trên.

Hàng nghìn người Yêmen biểu tình ở thủ đô Xana ngày 4/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Làn sóng biểu tình ở khu vực chưa lắng

HĐBA LHQ ngày 4/3 đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ tái diễn nội chiến ở Cốt Đivoa, kêu gọi các bên “hết sức kiềm chế” để ngăn chặn nguy cơ này và giải quyết bất đồng một cách hòa bình. HĐBA cũng hối thúc phái bộ LHQ tại Cốt Đivoa sử dụng mọi biện pháp cần thiết để thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là để bảo vệ dân thường.

Quốc gia Tây Phi này rơi vào vòng xoáy bạo lực kể từ sau cuộc bầu cử ngày 28/11/2010. Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo khẳng định ông tái đắc cử, trong khi đối thủ tranh cử là ông Alassanne Ouattara cũng tuyên bố thắng cử và được quốc tế công nhận. Giao tranh xảy ra giữa các lực lượng ủng hộ ông Gbagbo và ông Ouattara từ sau bầu cử đã làm hơn 300 người thiệt mạng. Liên minh châu Phi (AU) đang tăng cường nỗ lực tìm giải cho cuộc khủng hoảng ở Cốt Đivoa.

Ngày 4/3, làn sóng biểu tình tiếp tục dâng cao tại Yêmen và Arập Xêút. Hàng nghìn người đã biểu tình ở thủ đô Xana của Yêmen đòi Tổng thống Abdullah Saleh từ chức ngay lập tức, dù phe đối lập và giới giáo sĩ nước này đã đề xuất chuyển giao quyền lực một cách hòa bình theo đó, ông Saleh sẽ ra đi trong năm nay.

Ở hai thành phố miền đông Awwamiya và Qatif của Arập Xêút, khoảng 100 người Hồi giáo dòng Shiite đã đổ xuống đường đòi chính quyền tạo điều kiện thuận lợi tìm kiếm việc làm, đối xử công bằng với người Shiite và thả các tù nhân mà họ cho là đang bị giam giữ mà không đưa ra xét xử.

Trong khi đó tại Tuynidi, Tổng thống lâm thời Fouad Mebazaa cùng ngày tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc bầu cử trên cả nước vào ngày 24/7 tới nhằm bầu ra một hội đồng soạn thảo hiến pháp mới.

Theo ông Mebazaa, một hệ thống bầu cử đặc biệt sẽ được soạn thảo trong tháng 3 này để áp dụng cho cuộc bỏ phiếu tới. Ông Mebazaa cũng cho biết ông sẽ tiếp tục tại vị sau ngày 15/3, ngày mà theo hiến pháp cũ chức vị tổng thống lâm thời của ông hết hiệu lực.

Cũng trong ngày 4/3, các nhóm đối lập ở Baranh tuyên bố sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ, song đặt ra 4 điều kiện, bao gồm hủy bỏ hiến pháp năm 2002; bầu ra một hội đồng soạn thảo hiến pháp mới; người dân được quyền bầu quốc hội với đầy đủ các quyền lập pháp và bầu chính phủ; đảm bảo các kết quả đàm phán được tôn trọng và thực thi.

Chính phủ Baranh tuyên bố những yêu cầu trên cho thấy có sự khác biệt khá lớn giữa đôi bên và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngồi vào bàn đàm phán càng sớm càng tốt để tiến tới một giải pháp đồng thuận.

Hồng Hạnh (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN