Ứng dụng AI trong đối phó cháy rừng ở Canada

Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy từ năm 2022 đến nay, các vụ cháy rừng ở Canada trở nên thường xuyên và dữ dội hơn khi Trái Đất ngày càng ấm lên.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên từ đám cháy rừng ở Alberta, Canada ngày 8/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thời gian qua, Canada ghi nhận khoảng 7.500 vụ cháy rừng, thiêu rụi hơn 2,5 triệu ha, trong đó 50% là diện tích của tỉnh bang Nova Scotia. Trong khi đó, các trận cháy rừng ở tỉnh bang Alberta hồi đầu tháng đã khiến hơn 10.000 km2 đất bị khô cằn.

Trước nhu cầu cấp thiết giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, công ty giám sát cây trồng và đánh giá rủi ro cháy rừng Sensaio Tech của Canada đã nghiên cứu và cho ra một sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp phòng cháy, chữa cháy trở nên dễ dàng, chính xác và ít tốn kém hơn. Sản phẩm của Sensaio Tech tập trung vào các cảm biến được trang bị AI và được đặt trong môi trường rừng hoặc trang trại. Các cảm biến này sẽ theo dõi 14 biến số khác nhau, trong đó có nhiệt độ, độ ẩm của đất, ánh sáng, độ mặn, chỉ số PH, vật nuôi hoặc sâu bệnh... Chúng sẽ đọc dữ liệu mỗi phút, rồi gửi về trung tâm điều khiển để khách hàng có thể theo dõi. Đặc biệt bộ cảm biến còn có thể gửi cảnh báo tới các thiết bị điện tử của khách hàng khi có bất kỳ biến số nào tăng tới mức nguy hiểm.

Ông Joao Lopes, người sáng lập Sensaio Tech, cho biết cách tiếp cận của Sensaio Tech khác với dữ liệu từ vệ tinh thường được sử dụng để dự báo hoặc cảnh báo sự lây lan của cháy rừng. Mặc dù cả hai kiểu này có thể đều hữu ích, nhưng dữ liệu cảm biến có xu hướng cập nhật hơn và chính xác hơn. Thông thường dữ liệu từ vệ tinh thường được thu thập từ 3- 4 ngày trước, vì vậy, về cơ bản không thể thấy được thời gian thực, cũng như có thể không xác định chính xác được những điểm nhỏ - nơi khởi nguồn hỏa hoạn.

Hiện có khoảng 971 vệ tinh có thể theo dõi khói và các yếu tố cháy rừng khác, nhưng một số vệ tinh bay qua các vĩ độ phía Bắc như ở Canada, nhiều lần không chụp được thời điểm bùng phát cháy đỉnh điểm. 

Dự kiến, dự án vệ tinh WildfireSat - dự án đầu tiên của Cơ quan vũ trụ Canada và một số cơ quan hữu quan nhằm theo dõi đỉnh điểm các đám cháy, sẽ được triển khai vào năm 2029. Vệ tinh này được thiết lập bay qua Canada vào cuối buổi chiều khi các đám cháy có thể lên đến đỉnh điểm nhằm giúp lính cứu hỏa dự đoán được hoạt động của các đám cháy tốt hơn.

Bà Cheryl Evans, Giám đốc Trung tâm thích ứng khí hậu thuộc Đại học Waterloo, cho rằng biến đổi khí hậu là một phần nguyên nhân, gây ra nhiều ngày nóng, khô và có gió hơn. Đây là những điều kiện lý tưởng để lửa bùng phát. Hoạt động ngày càng tăng của sét - nguyên nhân gây ra khoảng 50% số vụ cháy rừng, cũng đang ngày càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Theo bà Evans, bất kỳ tiến bộ nào về công nghệ nhằm giải quyết hoặc ngăn chặn cháy rừng đều "cực kỳ quan trọng", bởi khoảng 90% chi tiêu công đều dành cho việc dập lửa và chỉ 10% được phân bổ cho công tác phòng ngừa.

Hà Linh (TTXVN)
Canada: Ban bố lệnh sơ tán bắt buộc do cháy rừng tại Novia Scotia
Canada: Ban bố lệnh sơ tán bắt buộc do cháy rừng tại Novia Scotia

Ngày 30/5, hãng CBC News đưa tin giới chức ứng phó tình trạng khẩn cấp của Canada đã ra lệnh sơ tán bắt buộc đối với người dân ở nhiều khu vực ở thị trấn Bedford thuộc thành phố Halifax (tỉnh Nova Scotia) sau khi ghi nhận một vụ cháy rừng mới, cũng như nguy cơ rò rỉ amoniac trong khu vực.    

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN