Đài RT dẫn lời Đại sứ Ukraine tại Berlin Andrey Melnyk nói với tờ Novoye Vremya của Ukraine ngày 10/6 rằng Kiev sẽ nhận lô vũ khí hạng nặng đầu tiên từ Đức vào khoảng ngày 22/6, Ông cho biết thêm, lô hàng được giao dự kiến sẽ bao gồm 7 thiết bị pháo PzH 2000 như Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã cam kết vào đầu tháng 5.
“Chúng tôi sẽ nhận được các hệ thống này vào khoảng ngày 22/6”, ông Melnyk nói, đề cập đến lô lựu pháo khi ông một lần nữa chỉ trích Berlin về việc vận chuyển vũ khí quá chậm trễ. Ngày mà ông đại sứ công bố cũng chính là ngày Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô vào năm 1941. Liên Xô khi đó bao gồm cả Ukraine và Nga, và Ukraine là một trong những lãnh thổ Liên Xô đầu tiên bị Đức Quốc xã tấn công.
Bản thân Bộ trưởng Melnyk không bình luận gì về việc chọn ngày này. Thay vào đó, ông cho biết thêm rằng Ukraine sẽ nhận thêm 15 hệ thống phòng không tự hành Gepard vào cuối tháng 7 và một đợt giao hàng tiếp theo với 15 hệ thống Gepard một tháng sau đó.
Bộ Quốc phòng Đức trước đó đã xác nhận kế hoạch gửi 15 hệ thống Gepard tới Ukraine vào tháng 7. Berlin đã cung cấp vũ khí cho Kiev gần như kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2. Tuy nhiên, tất cả các chuyến giao hàng cho đến nay chỉ liên quan đến vũ khí nhỏ, tên lửa chống tăng và phòng không di động, cũng như đạn dược và nhiên liệu.
Các chính sách của chính phủ Đức về vấn đề viện trợ cho Ukraine đã bị Kiev, một số quốc gia EU và thậm chí cả các đối tác liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz chỉ trích nặng nề. Bản thân Bộ trưởng Melnyk đã không tiếc lời khi chỉ trích chính phủ Đức và Thủ tướng Scholz vì ông từ chối thăm Kiev.
Hôm 10/6, đại sứ Ukraine một lần nữa cáo buộc chính phủ Đức trì hoãn việc giao vũ khí hạng nặng và tuyên bố rằng Kiev đã có các thỏa thuận với các nhà sản xuất vũ khí của Đức và đang chờ chính phủ phê duyệt trong nhiều tuần qua.
Trước đó, ngày 26/4, Bộ Quốc phòng Đức thông báo, nước này đã nhất trí chuyển giao hệ thống pháo phòng không tự hành cho Ukraine, động thái đánh dấu sự thay đổi lớn về quan điểm của Berlin đối với viện trợ quân sự cho Kiev.
Trong công bố trước các quan chức quân sự quốc tế tại căn cứ không quân Ramstein, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết, loại vũ khí này "chính xác là những gì Ukraine đang cần để bảo vệ không phận từ dưới mặt đất". Đây là lần đầu tiên Đức đồng ý cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev để đối phó chiến dịch quân sự của Nga. Hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard đã bị loại bỏ dần khỏi các hoạt động quân sự ở Đức vào năm 2010.
Berlin ban đầu từ chối các lời kêu gọi cung cấp vũ khí cho Kiev và chỉ nhất trí trợ giúp nhân đạo cũng như thiết bị y tế. Cách tiếp cận đó phù hợp với chính sách kéo dài hàng thập kỷ qua của Đức là không cung cấp vũ khí sát thương cho các khu vực đang có chiến sự.
Chỉ vài tháng trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công Ukraine, chính phủ mới của Đức khi đó đã đồng ý đưa chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí vào thỏa thuận liên minh của họ. Tuy nhiên, đối mặt với áp lực từ các đồng minh và công chúng, Berlin buộc phải điều chỉnh các quy định.
Cuối tháng 2, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố, Đức sẽ bắt đầu chuyển giao một số vũ khí cho Ukraine, mặc dù tại thời điểm đó, ông gọi đây là trang thiết bị "phòng thủ".
Cho đến nay, ngoài Đức, nhiều quốc gia khác đã gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Mỹ chấp thuận đề nghị của Kiev về việc gửi hệ thống pháo phản lực phóng loạt (HIMARS), giúp các lực lượng Ukraine tấn công sâu hơn vào phía sau phòng tuyến của Nga trong khi vẫn né được tầm bắn của pháo binh Nga.
Từ ngày 24-2 đến nay, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã gửi 4,5 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Các vũ khí được cam kết hoặc đã gửi đi bao gồm 72 pháo cỡ 155mm, 72 phương tiện kéo, 144.000 viên đạn và hơn 120 máy bay không người lái chiến thuật Phoenix Ghost do Không quân Mỹ phát triển. Đó là chưa kể 1.400 hệ thống phòng không Stinger, 5.000 tên lửa chống tăng Javelin, hàng nghìn khẩu súng trường cùng đạn dược và hàng loạt thiết bị khác.