UAE trở thành thành viên thứ 35 của AIIB

Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) ngày 5/4 thông báo quốc gia Trung Đông này đã gia nhập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) có số vốn lên tới 50 tỷ USD do Trung Quốc khởi xướng.

Với quyết định trên, UAE đã trở thành thành viên sáng lập thứ 35 của AIIB, trong đó có cả Saudi Arabia, Kuwait, Oman, Qatar, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Anh, Đức, Pháp, Italy và Luxemburg.


Hãng thông tấn WAM của UAE cho hay ngân hàng AIIB sẽ ưu tiên tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực châu Á, trong khi tạo ra một nền tảng mới cho sự hợp tác khu vực và quốc tế nhằm hỗ trợ cho các nước châu Á đang phát triển. Ngân hàng này sẽ tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, giao thông vận tải, viễn thông, cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển nông nghiệp, cung cấp nước và vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị và giao nhận vận tải.

Nguồn tin này cho hay Quốc vụ khanh của UAE, Tiến sĩ Sultan bin Ahmed Al Jaber đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Sử Diệu Bân nhằm thảo luận về việc UAE gia nhập vào ngân hàng AIIB với tư cách là một thành viên sáng lập. Ông Al Jaber phát biểu khẳng định quyết định tham gia AIIB được xem là một cột mốc quan trọng và nhận được sự ủng hộ hết mình của các nhà lãnh đạo cấp cao của UAE. Với mục đích thúc đẩy quan hệ chiến lược giữa UAE-Trung Quốc và vì lợi ích chung trong việc tăng trưởng cũng như phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, hai nước đã hợp tác để thiết lập một nền tảng quốc tế mạnh mẽ và tích cực nhằm đẩy nhanh các nỗ lực phát triển.

Tính tới hạn chót nộp đơn xin gia nhập AIIB ngày 31/3 vừa qua, đã có 48 quốc gia cộng với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) ngỏ ý tham gia AIIB, trong đó có 4/5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và 16/34 là thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Bắc Kinh xác nhận đã có 35 quốc gia được phê chuẩn làm thành viên sáng lập của AIIB. Danh sách cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 15/4 tới.


TN
AIIB và những thách thức trước mắt
AIIB và những thách thức trước mắt

Bắc Kinh đang đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong việc lần đầu tiên quản trị thể chế tài chính đa phương này, với lượng thành viên rất đa dạng đến từ các châu lục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN