Tướng Nga: Bị khiêu khích, Triều Tiên sẽ tấn công các mục tiêu Mỹ tại Hàn Quốc

Theo Thiếu tướng Pavel Zolotarev, Quân đội Nhân dân Triều Tiên sẽ thực hiện lời đe dọa tấn công các mục tiêu Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc nếu Washington tiếp tục gây áp lực, đẩy Bình Nhưỡng vào thế đường cùng. Đồng thời, tuyên bố tấn công Guam bằng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên “không hề bịp bợm".

Kênh RT (Nga) dẫn lời Thiếu tướng về hưu Pavel Zolotarev cảnh báo: “Một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Triều Tiên có thể đi ngược lại logic chung, tuy nhiên khi một đất nước bị chi phối bởi sự tuyên truyền – và Mỹ đang trải qua thời kỳ đó – các quyết định chính trị vượt ra ngoài logic hợp lý và ở đó chúng ta có thể có những hậu quả khó dự đoán”. 

Ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ trút “lửa cháy và thịnh nộ” lên Triều Tiên nếu nước này không dừng hoạt động thử  tên lửa. Hôm sau, ông thậm chí nhấn mạnh “lửa cháy và thịnh nộ” đối với Bình Nhưỡng còn “không đủ mạnh”. 

Người dân thủ đô Bình Nhưỡng theo dõi trên bảng tin về vụ phóng tên lửa ngày 29/7. Ảnh: Reuters

Áp lực gia tăng từ Washington có ép Bình Nhưỡng trở nên “quyết đoán hơn về biện pháp trả đũa”, theo nhận định của ông Zolotarev, Phó Giám đốc Học viện nghiên cứu Mỹ và Canada tại Viện Khoa học Nga. 

“Một điều không nên quên rằng thủ đô Hàn Quốc, Seoul nằm trong tầm bắn của đạn pháo Triều Tiên”, ông Zolotarev lưu ý. Chuyên gia này nhấn mạnh tuyên bố của quân đội Triều Tiên rằng họ có kế hoạch tấn công các căn cứ Mỹ tại Guam là “không hề bịp bợm”.  

"Quân đội của mỗi quốc gia phải xây dựng chiến lược triển khai cho bất kỳ sự kiện nào. Chính các chính trị gia - không phải quân đội – là người quyết định có nên sử dụng các kế hoạch như trên hay không... Vậy thì, nếu quân đội Triều Tiên nói về các kế hoạch như vậy, có nghĩa là họ thực sự có chúng", ông giải thích.

Mặt khác, ông Aleksandr Tsalko – Tướng Không quân Nga về hưu – cho rằng không lời đe dọa hay thậm chí là biện pháp trừng phạt khắc khổ nhất nào có thể khiến Bình Nhưỡng từ bỏ kế hoạch phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). 

Tuy  vậy, ông bày tỏ sự nghi ngờ về việc Triều Tiên hiện có năng lực để tấn công các căn cứ Mỹ tại Guam hay không. 

“Họ tuyên bố có, nhưng có một quả tên lửa tầm xa và có thể tiến hành một vụ tấn công hạt nhân là hai điều khác nhau. Họ cần làm ra một đầu đạn hạt nhân cho tên lửa và học cách bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa”, ông Tsalko nói.

Mặc dù phía Mỹ nghiêm túc đánh giá về tuyên bố của Triều Tiên rằng nước này đã thử nghiệm ICBM thì quân đội Nga, dựa trên các số liệu theo dõi, khẳng định Bình Nhưỡng chỉ phóng đi tên lửa tầm trung. 

Vị tướng về hưu trên cho biết trong khi Mỹ rõ ràng là mạnh mẽ hơn Triều Tiên thì việc tấn công đất nước Đông Bắc Á này sẽ đem tới một cái giá đắt cho các đồng minh của Mỹ tại khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản. 

“Người Mỹ có đủ thông minh để không tấn công Bình Nhưỡng. Miễn là họ không làm hại Bình Nhưỡng, nước này sẽ không hành động đáp trả”, ông Tsalko kết luận.

Hoàng Trang/Báo Tin Tức
Căng thẳng Mỹ-Triều Tiên: Từ nguy cơ chiến tranh tới khả năng trở lại đàm phán?
Căng thẳng Mỹ-Triều Tiên: Từ nguy cơ chiến tranh tới khả năng trở lại đàm phán?

Mới đây, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Triều Tiên sẽ phải hứng chịu “lửa cháy và thịnh nộ” còn Bình Nhưỡng lại đe dọa tấn công lãnh thổ Mỹ. Nhưng cuối cùng Lầu Năm Góc có ra đòn đánh bất ngờ nhằm vào các cơ sở của quân đội nhân dân Triều Tiên hay không? Bình Nhưỡng có phóng 4 quả tên lửa đạn đạo nhằm vào Guam, nơi đặt căn cứ không quân Anderson với những chiếc máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer hay không?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN