Tương lai Syria khi ông Trump đắc cử tổng thống

Chiến hạm “Đô đốc Kuznetsov” và đoàn tàu chiến tháp tùng của Nga đã tiến đến gần Syria ở khoảng cách đủ để nã bom và tên lửa ồ ạt. Theo nguồn tin quân sự Mỹ, các máy bay tiêm kích Su-33 và Mig-29K đóng trên boong chiến hạm “Đô đốc Kuznetsov” đã bắt đầu cất cánh tới Syria, song chưa tham gia chiến đấu.

Trong khi đó, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 9/11 cũng cho biết các máy bay của Nga đang chuẩn bị để tấn công các tay súng ở khu vực lân cận Aleppo. Trước đó, báo Nga "Vzgliad" (Cái nhìn) ngày 7/11 đưa tin không quân và nhóm tấn công của Nga trong thời gian tới có thể sẽ tấn công ồ ạt bằng vũ khí chính xác cao cùng các lực lượng và phương tiện hoàn toàn mới, ví dụ như tên lửa P-700 “Granit” và trực thăng trinh sát mục tiêu mặt đất Ka-35.

Trên thực tế, trước khi cuộc bầu cử tại Mỹ diễn ra, các nguồn tin ở cả Nga và nước ngoài đều thông báo về việc Nga chuẩn bị tấn công lớn bằng tên lửa và bom vào các mục tiêu tại Syria. Tờ "Times" của Anh khẳng định, lợi dụng Mỹ đang bận rộn với bầu cử, Nga dự định dồn hết lực lượng chiến đấu để tấn công Đông Aleppo.

Binh sĩ quân đội Chính phủ Syria tại quận al-Assad, phía Tây Aleppo ngày 12/11. Ảnh: EPA/TTXVN

Tuy nhiên, việc Nga phô trương sức mạnh vũ khí tại Syria có còn hợp lý trong bối cảnh hiện nay hay không, khi ông Donald Trump đã đắc cử tổng thống Mỹ và ông từng hứa sẽ hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống các tay súng cực đoan?

Về vấn đề này, các nhà nghiên cứu chính trị có ý kiến khác nhau. Abbas Zhuma, chuyên gia về khu vực Trung Đông, cho rằng thời điểm hiện nay là khá thuận lợi để giải quyết những căng thẳng tại Aleppo: “Mỹ có tổng thống mới. Cơ hội để bình thường hóa quan hệ với Nga mà ông Trump từng đề cập đến trong chiến dịch vận động tranh cử có thể trở thành sự thật. Bây giờ, khi tình hình tại Mỹ còn chưa có gì xác định, nên tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề Syria để sau đó đặt chính quyền Trump vào thế đã rồi”. 

Ông Zhuma lo ngại nếu bây giờ hành động chậm trễ thì việc giải phóng Aleppo sẽ lại sa lầy vào các cuộc đàm phán dài lê thê và những cáo buộc lẫn nhau.

Trong khi đó, ông Anton Mardasov - phụ trách phòng nghiên cứu về cuộc xung đột ở Trung Đông và cá lực lượng vũ trang khu vực thuộc Viện Phát triển Công nghệ Nga - lại nhấn mạnh rằng Nga không cần tấn công Aleppo tại thời điểm này. Theo ông, tấn công hàng loạt nghĩa là "xóa sổ" thành phố này, điều đó sẽ chỉ càng làm ảnh hưởng đến quan hệ Nga-Mỹ và gián tiếp ảnh hưởng tới cộng đồng Sunni tại đây. Đây lại là điều không hề có lợi cho Nga.

Bên cạnh đó, dù trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã hứa sẽ đập tan tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, song với đội ngũ phụ tá của ông, có thể thấy Trung Đông không phải là ưu tiên của họ. 

Sau khi lên nhậm chức, ông Trump sẽ phải lo giải quyết những việc khác. Hơn nữa, IS không phải là một lực lượng dễ bị "đè bẹp". Tại Mosul, Mỹ đang bị sa lầy. IS đã chống trả điên cuồng và hoạt động khá chuyên nghiệp. 

Theo ông Mardasov, các tay súng tại Mosul đã cho thấy các kỹ năng tốt, phối hợp hành động tự sát, phá hoại và thâm nhập vào hậu phương của đối phương theo từng nhóm nhỏ, vì vậy, Mỹ không có cơ hội giải phóng thành phố này trong thời gian trước mắt. Nói tóm lại, ông Trump sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chiến này.

TTK
Đội tàu chiến Nga đã có mặt ngoài khơi Syria
Đội tàu chiến Nga đã có mặt ngoài khơi Syria

Ngày 12/11, ông Sergei Artamonov, chỉ huy tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, Hải quân Nga đã phát biểu trên truyền hình nhà nước rằng một đội tàu chiến Nga đang hiện diện tại phía Đông Địa Trung Hải, ngoài khơi Syria sau khi được cử đến nhằm tăng cường lực lượng quân sự Nga trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN