Tuổi thọ người Mỹ giảm năm thứ hai liên tiếp, lùi về mức 25 năm trước

Tuổi thọ trung bình của người Mỹ đã giảm từ 77 tuổi xuống còn 76,4 tuổi vào năm ngoái, tương đương với mức của năm 1996.

Chú thích ảnh
Cư dân Viện dưỡng lão ở Mỹ xếp hàng tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: AP 

Theo tờ USA Today, tuổi thọ trung bình của người Mỹ đã giảm từ 77 tuổi xuống còn 76,4 tuổi vào năm 2021, theo dữ liệu liên bang công bố ngày 22/12. Đó là con số thấp nhất kể từ năm 1996 và sau gần một thập kỷ nước Mỹ bị trì trệ trong việc tăng thêm tuổi thọ.

Tiến sĩ Steven Woolf, Giáo sư y học gia đình và sức khỏe dân số tại Đại học Virginia Commonwealth, cho biết điều đó có nghĩa là những tiến bộ y tế trong một phần tư thế kỷ qua đã bị xóa bỏ.

Các dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 22/12 đánh dấu năm thứ hai liên tiếp tuổi thọ trung bình của người Mỹ giảm, một kỷ lục chưa từng xảy ra trong hơn một thế kỷ.

Nghiên cứu cho thấy đối với đàn ông Mỹ, tuổi thọ giảm hơn 8 tháng và đối với phụ nữ là khoảng 7 tháng. Tuổi thọ trung bình của người Mỹ, thực chất là thước đo tỷ lệ tử vong, giảm ở mọi nhóm tuổi trên 1 tuổi.

Tiến sĩ Woolf cho biết, mặc dù tốc độ giảm tuổi thọ không nghiêm trọng như năm 2020, nhưng sự sụt giảm vào năm 2021 thực sự tồi tệ hơn vì mức tuổi thọ trung bình còn thấp hơn cả vào năm 2020. 

Theo ông Woolf , sự suy giảm trong năm ngoái xảy ra khi các quốc gia thịnh vượng khác chứng kiến ​​thời kỳ phục hồi sau năm đầu tiên xảy ra đại dịch. Ông cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ nhiều yếu tố, bao gồm tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 thấp và sức khỏe chung của người Mỹ kém.

Ông nói: “Việc năm 2020 và 2021 Mỹ đã thể hiện kém hơn nhiều so với các quốc gia khác [trong phòng chống dịch COVID-19] là một dấu hiệu cảnh báo rằng tình trạng bất lợi về sức khỏe mà Mỹ đã mắc phải trong nhiều năm đang thực sự trở nên khá tồi tệ.

Chú thích ảnh
Người dân thăm khu tưởng niệm người Mỹ thiệt mạng vì đại dịch COVID-19, nằm gần tượng đài Washington ở thủ đô Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters 

Những nguyên nhân chính gây tử vong ở Mỹ

Nguyên nhân tử vong phần lớn vẫn giống nhau trong năm 2020 và năm 2021, dẫn đầu là bệnh tim, ung thư và COVID-19.

Tám trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đã tăng đáng kể về mặt thống kê vào năm 2021 so với năm 2020, bao gồm cả chấn thương và đột quỵ. Chỉ có bệnh Alzheimer và các bệnh đường hô hấp dưới mãn tính là giảm trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Dữ liệu cho thấy tỷ lệ tử vong do bệnh gan mãn tính và xơ gan, thường liên quan đến rượu, cũng tăng lên trong thời kỳ đại dịch. Tiến sĩ Woolf cho biết mọi người có thể đã tìm đến rượu để giải tỏa bớt những căng thẳng về kinh tế, xã hội… trong hai năm trước.

Tình trạng sử dụng ma túy quá liều gia tăng trong thời kỳ đại dịch, nhưng Tiến sĩ Woolf không sử dụng thuật ngữ "cái chết vì tuyệt vọng" vì nhiều người bắt đầu dùng thuốc giảm đau gây nghiện theo chỉ định của bác sĩ sau ca phẫu thuật.

Woolf cho biết ông đặc biệt lo ngại về sự sụt giảm tuổi thọ của những người ở độ tuổi trung niên, những người đáng lẽ phải ở trong độ tuổi lao động sung sức nhất.

Ông nói, xu hướng này bắt đầu từ một thập kỷ trước đại dịch, nhưng COVID-19 đã góp phần khiến nó trở nên rõ rệt hơn, đặc biệt là đối với người da màu. Một người 40 tuổi mắc nhiều vấn đề về sức khỏe có nhiều khả năng tử vong vì COVID-19 hơn so với người cùng độ tuổi có sức khỏe tốt hơn. Về bản chất, sức khỏe kém đang khiến dân số Mỹ trông già hơn so với tuổi.

Vị Tiến sĩ cho biết, không rõ tại sao số ca tử vong ở người lớn và trẻ em ngày càng tăng, dù đã giảm trước đại dịch. Bên cạnh đó, khoảng cách chủng tộc phần nào đảo ngược vào năm 2021 khi người da trắng mất nhiều tuổi thọ hơn người da màu, mặc dù trung bình họ vẫn sống lâu hơn.

Trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch, người gốc Tây Ban Nha và người da đen có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với người da trắng. Theo Tiến sĩ Woolf, họ có nhiều khả năng bị phơi nhiễm với COVID-19 nhiều hơn và dễ tử vong hơn khi nhiễm bệnh. Nhưng vào năm 2021, tỷ lệ tử vong tăng ở người da màu, nhưng không nhiều bằng mức 7% ở người da trắng.

Ông Woolf nói: “Người da trắng, theo quan điểm y học, lẽ ra không nên có tỷ lệ tử vong cao hơn. Các dữ liệu khác cho thấy, tỷ lệ tử vong ở họ cao là vì người da trắng có nhiều khả năng tránh tiêm vaccine COVID-19 hơn”.

Woolf cho biết ông nhìn thấy một con đường rõ ràng để cải thiện sức khỏe của người dân Mỹ, bằng cách cung cấp: giáo dục chất lượng, nhà ở giá cả phải chăng, tiếp cận với thực phẩm lành mạnh, giảm bất bình đẳng thu nhập và quy định chặt chẽ hơn đối với các ngành gây ô nhiễm hoặc cung cấp các sản phẩm nguy hiểm tiềm tàng như ô tô hoặc súng.

"Chúng ta cần đưa ra quyết định liệu chúng ta sẽ chấp nhận những mất mát đó và chấp nhận rằng người Mỹ sẽ kém khỏe mạnh hơn những người khác (ở các quốc gia giàu có khác) và sống cuộc sống ngắn hơn nhiều, hay chúng ta cần phải làm gì đó để giải quyết vấn đề đó” - ông Woolf nói – “Chúng ta không thiếu giải pháp. Chúng ta thiếu ý chí chính trị."

Woolf cho biết ông không nghĩ rằng sẽ mất 25 năm để người Mỹ lấy lại được vị trí đã mất trong hai năm qua. Ông nói: “Khi số ca tử vong do COVID-19 giảm xuống, tuổi thọ trung bình sẽ phục hồi trở lại”.

"Nhưng thực tế là chúng tôi đã bị ảnh hưởng như vậy và bị đẩy lùi quá xa về thời gian trong khi các quốc gia khác thì không, điều đó rất đáng lo ngại", Tiến sĩ Woolf nhận xét.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo USA Today)
Bất ngờ về tình hình giao thông ở Trung Quốc sau khi nới lỏng biện pháp phòng dịch COVID-19
Bất ngờ về tình hình giao thông ở Trung Quốc sau khi nới lỏng biện pháp phòng dịch COVID-19

Mật độ giao thông tại các thành phố lớn nhất của Trung Quốc hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào đầu năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN