TTK LHQ quan ngại việc gia tăng căng thẳng ở Tây Nam Syria

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng căng thẳng ở Tây Nam Syria.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong cuộc họp báo tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) ngày 11/6. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một tuyên bố ngày 22/6, người phát ngôn TTK LHQ Stephane Dujarric nhấn mạnh các vụ tấn công cả trên bộ và trên không đã khiến hàng nghìn dân thường phải sơ tán, trong đó đa số đang di chuyển hướng tới biên giới Jordan. 

Theo LHQ, các cuộc giao tranh đã diễn ra trong những ngày qua tại nhiều thị trấn phía Đông và phía Tây tỉnh Daraa trong bối cảnh quân Chính phủ Syria quyết tâm giành lại quyền kiểm soát các khu vực miền Nam từ tay phiến quân. Thống kê cho thấy giao tranh tại tỉnh Daraa trong ngày 20/6 đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, trong đó có 11 người ở thành phố Daraa và nhiều người bị thương. 

Cũng theo người phát ngôn Dujarric, TTK LHQ cũng bày tỏ quan ngại các cuộc giao tranh sẽ gây ra những nguy cơ lớn đối với an ninh khu vực, đồng thời kêu gọi ngừng ngay việc leo thang quân sự hiện nay, hối thúc các bên tôn trọng những cam kết theo luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế trong đó có việc bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại LHQ, người phát ngôn LHQ Farhan Haq, cho biết LHQ còn quan ngại trước thông tin về 2 vụ đánh bom xe liên tiếp xảy ra tại thành phố Idlib, Tây Bắc Syria, khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 1 trẻ em và 40 người bị thương.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường nhật ở trụ sở của LHQ tại New York, ông Haq cho hay LHQ kịch liệt lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, nhân viên cứu trợ và hạ tầng cơ sở nhân đạo. Theo ông, hiện có khoảng 2,5 triệu người sống tại tỉnh Idlib do phiến quân kiểm soát ở vùng Tây Bắc Syria - nơi một nửa số dân bị mất nhà cửa do bạo lực và đang rất cần viện trợ nhân đạo.

TTXVN/Báo Tin tức
Vì sao Trung Quốc, Nga không muốn ‘giao’ Triều Tiên cho Mỹ?
Vì sao Trung Quốc, Nga không muốn ‘giao’ Triều Tiên cho Mỹ?

Mối quan hệ ấm dần giữa Triều Tiên với Mỹ và hòa giải với Hàn Quốc không phải là thay đổi duy nhất mang tích lịch sử trên Bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc và Nga cũng muốn trở thành một phần của lịch sử đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN