Trung Quốc ‘quấy’ Hoa Đông vì ấm ức bại trận hải chiến 120 năm trước - Phần 2

Trung Quốc và 2 bài học mãi không thuộc

Chắc chắn một điều, việc soi rọi lịch sử như là cơ sở để kích động chiến tranh có điểm hạn chế, nhất là khi xét đến yếu tố chiến thuật và vũ khí. Cùng với thời gian, những tiến bộ về công nghệ cũng đã thay đổi diện mạo chiến tranh hải quân trong hơn 120 năm qua. Một cuộc xung đột giữa các chiến hạm chạy bằng hơi nước khác rất nhiều so với cuộc so găng giữa các lực lượng hải quân hiện đại, được trang bị các tàu chiến có tên lửa dẫn đường và máy bay chiến đấu. Hơn nữa, cũng chẳng có quá nhiều điều đáng để rút ra về trận hải chiến Hoàng Hải năm xưa.

Đây không phải là lối hành xử tạo lập được lòng tin đối với các nước láng giềng, bè bạn. Ảnh: TTXVN phát


Có rất ít các nhà bình luận của cả Trung Quốc và Nhật Bản đề cập đến khía cạnh này, thay vào đó, giới nghiên cứu chủ yếu đi sâu tìm hiểu các mục đích chính trị và chiến lược của cuộc chiến giành quyền kiểm soát biển xa. Bài học từ xưa đến nay vẫn là: Người nào thống trị biển cả sẽ chiếm giữ được các ưu thế kinh tế - địa chính trị trước các đối thủ.

Vậy Nhật Bản hay Trung Quốc có bỏ sót điều gì, hoặc có hiểu sai bài học khiến chiến lược của mình bị méo mó? Bài học thứ nhất mà Nhật Bản thấm nhuần, nhưng Trung Quốc lại tỏ ra thờ ơ - đó là giá trị của liên minh. Chiến tranh Trung-Nhật là hình thái một chọi một. Nhưng sau cuộc chiến này, Pháp, Đức và Nga đã can thiệp ngoại giao để buộc Nhật phải buông một phần lãnh thổ ở phía bắc Trung Quốc vừa giành được. Châu Âu lo ngại đế chế Nhật Bản hùng mạnh sẽ phong tỏa đường giao thương của các đế quốc khác với Trung Quốc và thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Nỗi đau với Nhật chưa dừng ở đó: Chớp thời điểm, Nga lại đoạt lấy một số lợi ích của Nhật Bản - đáng chú ý là các thành trì ở Port Arthur, cửa ngõ hàng hải phía bắc Trung Quốc.

Để tránh bị “bắt nạt” lần nữa, Tokyo đã thành lập liên minh với Anh trước khi bắt đầu cuộc chiến tiếp theo với Nga giai đoạn 1904-1905. Chẳng phải sờ đến vũ khí, Anh chỉ việc đóng cửa kênh đào Suez chặn lực lượng hải quân Nga, buộc quân tiếp viện hải quân của Moskva phải đi vòng thêm 20.000 dặm quanh châu Phi, qua Ấn Độ Dương vào vùng biển Viễn Đông để tham chiến. Hải trình xa lắc đã khiến Hạm đội Baltic của Nga suy yếu, trở thành mồi ngon cho Hải quân Nhật trong trận Hải chiến Tsushima – eo biển được đặt tên theo vùng biển hẹp giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên. Năm 1905, Nhật Bản đã lấy lại lãnh thổ từng tuột khỏi tay năm 1895, tạo lập thanh thế trước một đế quốc châu Âu trong đàm phán.

Dường như liên minh mang lại rất nhiều lợi ích. Và bài học này đã được Nhật Bản khẳng định liên tục, với việc lập liên minh an ninh với Mỹ thời hậu chiến. Ngược lại, Trung Quốc đứng tách biệt với các nước láng giềng Đông Á, ngay cả trong những ngày tháng huy hoàng nhất của mình. Hành xử kiểu kể cả, bề trên như những ngày qua mà rộng ra là phần lớn thời gian trong lịch sử, Trung Quốc tự cho mình quyền ức hiếp và đe dọa các quốc gia này. Đó không phải là cách để thêm bạn, tạo đồng minh.

Bài học thứ hai là về nhìn nhận đúng sức mạnh của mình và tôn trọng đối thủ. Cách Trung Quốc nhìn nhận về cuộc chiến Trung-Nhật còn hé lộ một góc khuất liên quan tới yếu tố con người trong hải chiến. Các nhà chiến lược miễn cưỡng thừa nhận thành quả ấn tượng của Đế quốc Nhật về vật chất. Nhưng đồng thời họ cũng tìm cách tìm ra “người giơ đầu chịu báng”, thay vì thừa nhận Trung Quốc thua Nhật Bản. Họ săn lùng kẻ có lỗi trong chính quyền nhà Thanh hoặc lực lượng hải quân. Giọng điệu phê phán toát lên ý: Nhật Bản lẽ ra đã không thắng, chẳng qua là do Trung Quốc tự thua.

Dù kiểu suy nghĩ xét lại này đúng hay sai đến đâu thì việc chỉ trích một chế độ Trung Quốc sụp đổ cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với khả năng tác chiến trên biển, tài chế tạo và sử dụng khí tài của Hải quân Nhật. Đôi khi một bên thua cuộc không hẳn vì kém mà bởi đối phương chiến đấu tốt hơn. Không chịu thừa nhận sự ưu việt của Nhật Bản trong quá khứ cũng chính là một biểu hiện coi thường đối thủ của Trung Quốc trong hiện tại. Và trong khi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản không hay khoe khoang về tiềm lực, Hải quân Trung Quốc vẫn ảo tưởng về năng lực chiến đấu của mình!


Hoài Thanh (Theo Foreign Policy)

Trung Quốc ‘quấy’ Hoa Đông vì ấm ức bại trận hải chiến 120 năm trước
Trung Quốc ‘quấy’ Hoa Đông vì ấm ức bại trận hải chiến 120 năm trước

Khi mà mọi con mắt đều đổ dồn vào Iraq, Ukraine, thì những căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về các vùng biển đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông vẫn không hạ nhiệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN