Trung Quốc: Thành phố Tây An áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất

Ngày 27/12, thành phố Tây An ở tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc đã tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 lên mức cao nhất nhằm kiểm soát đợt bùng ổ phát dịch nghiêm trọng nhất trong 21 tháng qua tại nước này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ngày 21/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trung Quốc đang tiếp tục theo đuổi chiến lược "Zero COVID" với việc siết chặt các hạn chế tại biên giới, cách ly kéo dài và phong tỏa cục bộ trong bối cảnh chuẩn bị chào đón hàng nghìn du khách nước ngoài tới dự Olympic mùa Đông tại Bắc Kinh vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, thành phố lịch sử Tây An - nơi 13 triệu người dân đang phải cách ly tại nhà trong ngày thứ năm liên tiếp - hiện là tâm điểm của đợt bùng phát dịch khiến số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020. 

Chính quyền thành phố Tây An thông bá tiếp tục siết chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế trong ngày 27/12. Thông báo mới nhất nêu rõ không phương tiện nào được phép lưu thông trên đường trừ những xe phục vụ công tác kiểm soát dịch. Giới chức cảnh sát và y tế sẽ kiểm tra nghiêm ngặt các phương tiện lưu thông và những trường hợp vi phạm có thể bị bắt giam 10 ngày, cũng như phải nộp phạt 500 nhân dân tệ (78 USD). 

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV ngày 26/12 đã đăng tải hình ảnh cho thấy giới chức đã triển khai nghiêm các biện pháp hạn chế di chuyển ra - vào thành phố Tây An. Những chiếc xe tải xếp hàng dài tại Trạm kiểm soát đường bộ khi lực lượng chức năng kiểm tra chứng nhận sức khỏe trên điện thoại của các lái xe.

Thành phố miền Bắc Trung Quốc với lịch sử hơn 3.100 năm nay này đã ghi nhận 150 ca mắc mới trong ngày 27/12, nâng tổng số ca mắc tại đây lên khoảng 650 ca kể từ ngày 9/12. Hai thành phố khác ở tỉnh Thiểm Tây cũng ghi nhận một trường hợp liên quan đến ổ dịch Tây An. Nhà chức trách kêu gọi công nhân ngoại tỉnh làm việc tại thành phố này không về nhà vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới.

Kể từ khi thành phố Tây An đóng cửa vào tuần trước, giới chức sở tại đã tiến hành các đợt truy vết trên diện rộng và đưa gần 30.000 người vào diện cách ly. Tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu đều phải đóng cửa, trong khi mỗi hộ gia đình chỉ có thể cử một người đi mua nhu yếu phẩm ba ngày một lần.

* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết chính phủ nước này đang thực hiện bốn chiến lược nhằm ngăn chặn đà lây lan biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Sadikin nêu rõ bốn chiến lược trên gồm tăng cường các quy định y tế, giám sát, tiêm chủng và cải thiện các dịch vụ chăm sóc y tế. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các quy định y tế, cụ thể là chiến lược 3M (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và duy trì khoảng cách) nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Bộ trưởng Sadikin còn kêu gọi người dân sử dụng ứng dụng PeduliLindung - ứng dụng kỹ thuật số được phát triển nhằm hỗ trợ việc khai báo y tế và truy vết các ca mắc COVID-19.  Ngoài ra, ông nhấn mạnh  người dân không nên đi du lịch nước ngoài nếu không có việc khẩn cấp và điều này sẽ giúp "bảo vệ bản thân" cũng như ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể Omicron có nguồn gốc từ nước ngoài. Theo ông Sadikin, Chính phủ Indonesia đang siết chặt các quy định đi lại và cách ly đối với người nhập cảnh nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Omicron do 98% số ca nhiễm biến thể này tại Indonesia là các trường hợp nhập cảnh.

Hiện Indonesia đang sử dụng kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR để xác định sự hiện diện của SGTF - một trong những dấu hiệu của Omicron. Kỹ thuật này chỉ mất 4-6 giờ trong khi giải mã trình tự gene mất 3-5 ngày. Bộ Y tế đã phân phối các dụng cụ xác định Omicron tới các điểm nhập cảnh chính, đồng thời gửi các bộ xét nghiệm bằng phương pháp giải trình tự gene tới 5 đảo lớn ngoài đảo Java.

Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia tiếp tục đẩy nhanh chương trình tiêm phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người già và người bị suy giảm khả năng miễn dịch. 

Cuối cùng, nhằm hỗ trợ công tác điều trị cho những người mắc COVID-19, Bộ Y tế Indonesia cũng đã cho lắp đặt mới hơn 16.000 máy tạo oxy và 31 hệ thống cung cấp oxy tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Minh Tâm - Hữu Chiến (TTXVN)
Những ẩn số chưa có lời giải sau 2 năm đại dịch COVID-19
Những ẩn số chưa có lời giải sau 2 năm đại dịch COVID-19

Hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành cho thấy vai trò quan trọng của khẩu trang, vaccine và các biện pháp cách ly, song vẫn còn những ẩn số chưa có lời giải như hiện tượng COVID kéo dài (long COVID), hiệu quả bảo vệ của vaccine và các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh dịch này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN