Một “cuộc chiến” đã chia rẽ hai
thế giới Đông và Tây của Trái Đất trong hàng thế kỷ qua: Ăn đũa có ưu việt hơn
dao – dĩa hay không? Nay thì câu trả lời có thể đã được quyết định, ít nhất là
từ góc độ môi trường.
Đũa dùng một lần gây lãng phí tài nguyên rừng của Trung Quốc. Ảnh Internet. |
Với 1,4 tỉ dân, mỗi năm ném đi 80
tỉ đôi đũa, giới chức Trung Quốc đã thừa nhận, rừng của họ không còn đủ sức
cung cấp dụng cụ gắp thức ăn trên các mâm cơm nữa.
“Chúng ta phải thay đổi các thói
quen tiêu dùng và khuyến khích người dân dùng những dụng cụ tái sử dụng”, ông
Bo Guangxin, Chủ tịch Hội lâm nghiệp Cát Lâm, phát biểu tại phiên họp đang diễn
ra của Quốc hội Trung Quốc.
Theo ông Bo, từ một cái cây 20
năm tuổi chỉ có thể sản xuất ra 4.000 chiếc đũa, vì thế quan chức này kêu gọi
các nhà hàng và người dân nên sử dụng dao dĩa kim loại để thay thế đũa.
Mỗi năm Trung Quốc phải đốn hạ 20
triệu cây lâu năm để đáp ứng thói quen dùng đũa một lần. Nếu đề nghị của ông Bo
được tiếp nhận rộng rãi, đây có thể là một bước ngoặt trong lịch sử 4.000 năm
của đũa.
Các tư liệu lịch sử cho rằng, Đại
Vũ, vị anh hùng sáng lập ra nhà Hạ - triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung
Quốc, là người đầu tiên sử dụng hai chiếc đũa để gắp thức ăn vào khoảng năm
2.100 trước Công nguyên. Trong tình hình cấp bách phải nhanh chóng chỉ đạo trị
thuỷ giúp dân, Đại Vũ đã không thể chờ cho đến khi món thịt của ông nguội đi để
cầm tay, thay vào đó, ông dùng hai cành cây nhỏ để gắp.
Đũa nhanh chóng trở nên quen
thuộc trên khắp châu Á. Đũa của người Trung Quốc thường dài hơn tại Nhật và Hàn
Quốc để có thể gắp được những đĩa thức ăn giữa bàn ăn rộng.
Một ước tính của cơ quan quản lý
rừng Trung Quốc cho thấy, trong khoảng năm 2004-2009, mỗi năm nước này tiêu thụ
57 tỉ đôi đũa dùng một lần. Với lượng tiêu thụ đũa khổng lồ, Trung Quốc là nhà
nhập khẩu gỗ lớn nhất, thậm chí còn nhập khẩu đũa từ một công ty ở bang Georgia,
Mỹ.
Trong khi đó, dĩa là phát minh
của người La Mã, nhưng phải đến thế kỷ 18 mới trở nên phổ biến ở Bắc Âu.
Thu Hằng