Trung Quốc ‘được lòng’ giới trẻ Arab hơn Mỹ

Một cuộc khảo sát về giới trẻ trong khu vực Trung Đông cho thấy nhiều thanh niên Arab coi Trung Quốc là đồng minh của nước họ thay vì Mỹ.

Chú thích ảnh
Trung Quốc "ghi điểm" ngoại giao với thỏa thuận giữa Iran và Saudi Arabia. Ảnh: Reuters

Theo kết quả cuộc khảo sát thanh niên Arab do công ty quan hệ công chúng ASDA'A BCW trụ sở tại Dubai thực hiện, Mỹ đứng thứ bảy trong số các quốc gia được coi là thân thiện trong khi Trung Quốc đã vươn lên đứng thứ 2. Cụ thể, 80% số người được hỏi coi Trung Quốc là đồng minh của quốc gia, trong khi 72% coi Mỹ là đồng minh. Cuộc khảo sát được thực hiện trên 3.600 người Arab trong độ tuổi 18-24 thuộc 53 thành phố ở 18 quốc gia Arab.

Mặc dù vẫn xếp hạng cao song nhiều quốc gia khác đã vượt qua Mỹ trong một vài năm trở lại đây. Thổ Nhĩ Kỳ được cho là quốc gia mà hầu hết thanh niên Arab coi là đồng minh, với tỷ lệ 82%. Trong số những người được thăm dò ý kiến, 61% cho biết họ ủng hộ việc Mỹ rút quân khỏi Trung Đông.

Trước đó, theo một cuộc khảo sát tương tự vào năm 2018, có tới 4/5 quốc gia được giới trẻ Arab mong muốn làm đồng minh đều là các quốc gia nằm trong khu vực, ngoại trừ Nga. Vào thời điểm đó, cả Trung Quốc và Mỹ đều không nằm trong top 5.

Những kết quả mới đây cũng một phần phản ánh sự ủng hộ của người trẻ Arab dành cho Trung Quốc đã dần tăng lên trong những năm qua khi Bắc Kinh mở rộng dấu ấn của mình trong khu vực.

Charles Dunne, một cựu nhà ngoại giao Mỹ từng phục vụ ở Trung Đông, lập luận những bước đột phá ngoại giao gần đây của Trung Quốc trong khu vực cho thấy quốc gia châu Á này đang thấy vai trò của Mỹ ở khu vực suy giảm và chính vì vậy, họ tìm kiếm cơ hội để xây dựng ảnh hưởng của riêng mình ngang hàng với Mỹ.

Không giống như Washington, Bắc Kinh đề xuất một chương trình nghị sự trong khu vực với trọng tâm là kinh tế và không có sự ràng buộc nào. Một tuyên bố chung dài 4.000 từ giữa Saudi Arabia và Trung Quốc vào tháng 12/2022 khẳng định họ sẽ “bảo vệ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, các quy tắc của luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế”.

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ trong khu vực. Thương mại của nước này với Saudi Arabia đã tăng từ 4,1 tỷ USD năm 2001 lên 87,3 tỷ USD vào năm 2021 - nhiều hơn cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cộng lại.

Mặc dù là một bên tham gia kinh tế trong khu vực, song Bắc Kinh đã bắt đầu mạo hiểm tham gia vào chính sách ngoại giao ở Trung Đông - từ lâu được coi là lãnh địa của Mỹ.

Vào tháng 3, Trung Quốc đã giành được một chiến thắng ngoại giao khi làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa hai đối thủ lâu năm là Iran và Saudi Arab. Tiếp đến tháng 4, Trung Quốc đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Israel và Palestine.

Trong khi đó, các quốc gia Arab, đặc biệt là các quốc gia ở vùng Vịnh, lại thất vọng khi nghĩ rằng Mỹ đã giảm dần sự quan tâm tới khu vực. Trong những năm gần đây, các nước này đã bắt đầu vạch ra chính sách đối ngoại của riêng mình, từ chối chọn phe trong cuộc chiến Ukraine và xích lại gần Trung Quốc hơn, nhấn mạnh rằng thế giới đang tiến tới đa cực. Các nhà phân tích chỉ ra chính sách Trung Đông của Mỹ tiếp tục triển khai không được các nước trong khu vực “mặn mà”, đặc biệt là sự ủng hộ Mỹ đối với Israel.

Anna Jacobs, nhà phân tích cấp cao tại nhóm chuyên gia tư vấn Nhóm Khủng hoảng Quốc tế vùng Vịnh, cho biết: “Suy nghĩ Mỹ đang xoay trục chiến lược khỏi Trung Đông dường như đang len lỏi từ chính phủ cho đến người dân trong khu vực. Tuy nhiên, suy nghĩ này vẫn chỉ là một hạt cát trên sa mạc. Quyền lực mềm của Mỹ và vai trò của nước này với tư cách là người bảo đảm an ninh trong khu vực khó có thể bị thay thế bởi các cường quốc toàn cầu khác như Trung Quốc hay Nga”.

Nữ chuyên gia nhận định: “Trung Đông đã là một đấu trường cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng các nước trong khu vực đã nói rõ rằng họ sẽ không để bị dồn vào chân tường rồi cuối cùng phải chọn một bên trong cuộc cạnh tranh quyền lực lớn. Họ có quá nhiều lợi ích ở cả phương Đông, phương Tây và cảm thấy phải duy trì quan hệ cân bằng với tất cả các cường quốc”.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Áp lực với đồng USD thúc đẩy Mỹ hàn gắn quan hệ với Trung Quốc?
Áp lực với đồng USD thúc đẩy Mỹ hàn gắn quan hệ với Trung Quốc?

Các nhà phân tích cho rằng Ngoại trưởng Antony Blinken có thể đã tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh vì Washington đang cảm thấy áp lực từ việc Trung Quốc rút hỗ trợ đồng USD và Chính phủ Mỹ đang đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN