Trung Quốc cử đặc phái viên tới Brussels, cứu vãn quan hệ với châu Âu

Trung Quốc sẽ cử một đặc phái viên cấp cao đến Brussels vào tuần tới, trong bối cảnh nước này tìm cách hàn gắn mối quan hệ đang trên đà rạn nứt với Liên minh châu Âu (EU).

Chú thích ảnh
Ông Wu Hongbo trước đó có chuyến thăm châu Âu lần cuối vào tháng 11/2021. Ảnh: SCMP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ông Wu Hongbo, đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại châu Âu, sẽ gặp các quan chức để thảo luận về những bất đồng từ hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc trực tuyến tổ chức vào tháng trước.

“Ông sẽ dự các cuộc họp trong Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu, thảo luận về mối quan hệ EU-Trung Quốc sau hội nghị”, nguồn tin EU tiết lộ.

Trước đó, hội nghị thượng đỉnh tổ chức ngày 1/4 đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu không hài lòng với thái độ không đổi của Bắc Kinh trước chiến dịch hoạt động quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Vài ngày sau khi hội nghị kết thúc, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell miêu tả hội nghị là “cuộc đối thoại của những người điếc”.

“Trung Quốc muốn gạt những khác biệt về quan điểm đối với Ukraine sang một bên, họ không muốn nói về Ukraine, họ không muốn nói về nhân quyền hay những thứ tương tự mà chỉ tập trung vào những điều tích cực”, Đại diện Borrel nói trong một cuộc tranh luận nảy lửa về Trung Quốc tại Quốc hội châu Âu ở Strasbourg.

Trong chuyến đi lần này, ông Wu sẽ dẫn đầu một phái đoàn, trong đó có Shi Mingde - cựu đại sứ Trung Quốc tại Berlin – tới một vài thành phố châu Âu.

Tại đây, họ sẽ gặp các quan chức và những người đứng đầu doanh nghiệp, cũng như những cá nhân nằm trong danh sách trừng phạt của Trung Quốc như thành viên quốc hội châu Âu Reinhard Buetikofer .

Mục tiêu hàng đầu của chuyến thăm này sẽ là loại bỏ các lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau trước đó đã dẫn đến đàm phán thất bại về một thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc.

Chuyến thăm của đặc phái viên Wu nối tiếp chuyến công du khu vực dài ngày của Huo Yuzhen, đặc phái viên của Bắc Kinh tại Trung và Đông Âu. Bà Huo đã đến thăm Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary, Croatia, Slovenia, Estonia, Latvia và Ba Lan.

Theo các báo cáo, bà đã tìm cách trấn an các nước Trung và Đông Âu rằng Trung Quốc không phải là đồng minh của Nga và đưa ra ý tưởng hạ cấp nhóm 16 + 1 xuống cấp các bộ trưởng ngoại giao. Trước đó, nền tảng ban đầu “17+1” của Trung Quốc - nỗ lực kéo dài 10 năm của nước này trong việc xây dựng quan hệ với các nước Trung và Đông Âu - gặp trở ngại vào năm ngoái khi Lítva trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi nhóm với lý do lợi ích thương mại không được lớn như kỳ vọng.

Tờ Politico của Mỹ đưa tin đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc Xie Zhenhua cũng đang có kế hoạch đến thăm châu Âu vào cuối tháng này.

Trong khi đó, Brussels tiếp tục gây dựng mối quan hệ với một số đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc, bao gồm việc thiết lập “quan hệ đối tác kỹ thuật số” với Nhật Bản và đồng ý nâng cấp quan hệ thương mại với Đài Loan (Trung Quốc).

Tuần trước, EU đã ký một tuyên bố nhóm G7 lên án Trung Quốc liên quan đến các vấn đề, từ Ukraine đến “hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ” và “các chính sách kinh tế cưỡng chế”.

“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc không hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine, không làm suy yếu các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga, không biện minh cho hành động của Nga ở Ukraine và không can dự, thao túng thông tin, hay đưa ra các thông tin sai lệch để hợp pháp hóa cuộc chiến tại Ukrain”, thông cáo viết.

Ông Buetikofer nhận định đặc phái viên Wu vẫn sẽ tiếp tục phải xử lý hai vấn đề quan trọng, Ukraine và Litva, trong chuyến đi lần này.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Mỹ cân nhắc gửi tên lửa chống hạm, giúp Ukraine phá phong toả cảng ở Biển Đen?
Mỹ cân nhắc gửi tên lửa chống hạm, giúp Ukraine phá phong toả cảng ở Biển Đen?

Washington được cho là đang xem xét cung cấp các tên lửa uy lực hơn để giúp Kiev phá vỡ cuộc phong tỏa của hải quân Nga đối với các cảng bên bờ Biển Đen.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN