Trung Quốc chuẩn bị ra mắt vaccine COVID-19 mRNA tự phát triển và sản xuất

Công ty Trung Quốc Abogen Biosciences đang nghiên cứu và thử nghiệm vaccine mRNA phòng COVID-19 hoàn toàn nội địa, được kỳ vọng sẽ sánh ngang, thậm chí vượt qua vaccine cùng loại của Pfizer và Moderna.

Chú thích ảnh
Abogen Biosciences, một công ty khởi nghiệp y tế của Trung Quốc, đang dẫn đầu cuộc nghiên cứu và thử nghiệm vaccine mRNA của Trung Quốc. Ảnh: Handout

Theo trang Asia Times, công ty dược phẩm tư nhân Abogen Biosciences của Trung Quốc, do một nhà sinh vật học được đào tạo tại Mỹ thành lập, đang hợp tác với quân đội Trung Quốc để nghiên cứu, thử nghiệm và tung ra loại vaccine COVID-19 công nghệ mRNA hoàn toàn nội địa.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 do biến thể Delta rất dễ lây lan đang đặt ra những lo ngại về hiệu quả đối phó với các biến thể virus mới của vaccine bất hoạt truyền thống do Sinovac và Sinopharm sản xuất, tới nay đã được tiêm cho hơn 1,1 tỷ người Trung Quốc.

Việc Trung Quốc theo đuổi vaccine mRNA nội địa cũng diễn ra khi phần lớn các nước đang phát triển thiếu khả năng tiếp cận với các loại vaccine mRNA do phương Tây sản xuất như của Moderna và Pfizer-BioNTech, vốn chứng tỏ hiệu quả cao hơn so với vaccine sản xuất theo cách truyền thống.

Thử nghiệm tại nhiều quốc gia

Abogen Biosciences, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại thành phố Tô Châu, miền đông Trung Quốc, là đơn vị phụ trách nghiên cứu và phát triển loại vaccine mRNA nói trên kể từ đầu năm 2020.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây dẫn lời người sáng lập Abogen, Ying Bo nói rằng các thử nghiệm giai đoạn 3 trên người đối với nguyên mẫu mRNA nội địa của Trung Quốc đã được tiến hành ở Mexico, Columbia và Pakistan kể từ cuối tháng 5.

Ông Ying Bo nói thêm rằng Học viện Khoa học Quân y của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Bắc Kinh cũng đã cung cấp nhân lực và các nguồn lực khác cho dự án.

Cũng trong tháng 5, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard xác nhận với các phóng viên về việc khởi động thử nghiệm vaccine mRNA của Trung Quốc với sự tham gia của khoảng 6.000 tình nguyện viên.

Vaccine mRNA hướng dẫn các tế bào của con người cách tạo ra những protein bắt chước một phần của virus gây COVID-19 và kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Chú thích ảnh
Ying Bo, nhà sáng lập Abogen Biosciences, được đào tạo tại Mỹ và sở hữu kiến thức về công nghệ mRNA trong quá trình làm việc tại một số nhà sản xuất dược ở Mỹ. Ảnh: Handout

Hứa hẹn "sánh ngang" vaccine Pfizer, Moderna

Ông Ying Bo phát biểu với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) rằng sản lượng ban đầu từ một cơ sở sản xuất được đề xuất ở Ngọc Khê, phía tây nam tỉnh Vân Nam, có thể đạt 120 triệu liều mỗi năm nếu cơ quan giám sát dược phẩm của Trung Quốc làm nhanh các thủ tục và mở đường cho sử dụng khẩn cấp và sản xuất hàng loạt.

Công ty nhấn mạnh rằng vaccine mRNA sẽ có công thức và nguồn cung ứng có thể mở rộng nhanh chóng và linh hoạt, giúp Trung Quốc tiến gần và thậm chí có khả năng vượt qua phương Tây trong phát triển vaccine.

Abogen đã nhận được 600 triệu nhân dân tệ (92,9 triệu USD) trong đợt gây quỹ vòng B vào tháng 4 và hiện đang dựa vào các quỹ đầu tư, do công ty bảo hiểm nhà nước PICC điều hành và được Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Nhà nước (SDIC) hỗ trợ.

Theo truyền thông Trung Quốc, ông Ying Bo là đảng viên Đảng Cộng sản, có bằng tiến sĩ kỹ thuật sinh học tại Đại học Northeastern ở Boston, Mỹ. Ying Bo cho hay ông đã có được kiến thức về lĩnh vực này trong suốt 13 năm ở Mỹ làm việc tại một số công ty khởi nghiệp về y tế và dược phẩm để phát triển các loại thuốc mRNA.

Ông cũng là Chủ tịch Hiệp hội Y sinh học người Mỹ gốc Hoa, đăng ký hoạt động tại Massachusetts và được Đại sứ quán Bắc Kinh tại Washington hỗ trợ cũng như tài trợ kinh phí một phần cho các chương trình trao đổi chuyên gia từ cả hai nước.

Abogen tiết lộ trong một hồ sơ trao đổi với đối tác sản xuất chính của công ty là Yunnan Walvax Biotechnology rằng, các đánh giá ban đầu trong phòng thí nghiệm và lâm sàng về vaccine mRNA, được đặt tên là ARCoV, đã cho thấy "những kết quả có hiệu quả đầy hứa hẹn", có thể “sánh ngang” với vaccine Pfizer/BioNTech của Mỹ/Đức và Moderna của Mỹ.

Hai loại vaccine Mỹ có hiệu quả bảo vệ được công nhận rộng rãi là hơn 90% chống lại lây nhiễm COVID-19, mặc dù sự xuất hiện của biến thể Delta đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả của chúng đối với các biến thể mới dễ lây lan hơn.

Chú thích ảnh
Abogen hợp tác với một viện nghiên cứu thuộc quân đội Trung Quốc và một công ty y tế để phát triển và sản xuất hàng loạt vaccine mRNA. Ảnh: Handout

Độ bền chịu nhiệt cao, giúp dễ bảo quản, vận chuyển

Trong khi đó, Học viện Y khoa của PLA được cho là đã đánh giá khả năng chịu nhiệt của vaccine mRNA thử nghiệm Trung Quốc. Các công thức mRNA của phương Tây được biết đến với độ bền chịu nhiệt thấp và phải bảo quản ở nhiệt độ siêu âm.

Một bài báo liên quan trong số ra tháng 7 năm 2020 của tạp chí khoa học Mỹ Cell đã tiết lộ rằng việc tiêm bắp vaccine ARCoV có thể tạo ra “các kháng thể trung hòa mạnh mẽ và phản ứng của tế bào T” chống lại COVID-19 ở chuột và động vật linh trưởng, và hai liều ARCoV ở chuột sẽ mang lại khả năng "bảo vệ hoàn toàn" chống lại chủng virus thích nghi với chuột.

Với tiêu đề “Vaccine mRNA có thể điều nhiệt chống lại COVID-19”, bài báo cũng cho biết ARCoV sẽ được sản xuất dưới dạng công thức lỏng và có thể được bảo quản ở “nhiệt độ phòng trong ít nhất một tuần”.

“Do vận chuyển ‘dây chuyền lạnh’ không sẵn có ở nhiều khu vực có dịch COVID-19, một loại vaccine có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng rất được chờ đợi … Bảo quản ở 37 độ C trong 7 ngày chỉ dẫn đến giảm khoảng 13% thông lượng photon tương đối, cho thấy khả năng ổn định nhiệt cao của vaccine ARCoV”, bài báo cho biết.

Nếu các kết quả thử nghiệm và đánh giá tiếp theo xác nhận những tuyên bố nói trên, thì yêu cầu nhiệt độ bảo quản ít nghiêm ngặt hơn nhiều có thể giúp vaccine mRNA Trung Quốc nổi bật so với đối thủ và đạt được thành tựu nhanh chóng ở các nước đang phát triển.

Trong khi đó, các hướng dẫn do Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ ban hành quy định rằng các lọ vaccine Moderna phải được bảo quản trong tủ đông từ -50 độ C đến -15 độ C, và vaccine Pfizer/BioNTech phải được làm lạnh đến -70 độ C trong quá trình vận chuyển.

Chú thích ảnh
Các lô hàng vaccine của Pfizer/BioNTech được vận chuyển tại sân bay Changi, Singapore. Việc vận chuyển và bảo quản vaccine mRNA yêu cầu 'dây chuyền lạnh' nghiêm ngặt. Ảnh: AFP

Giám đốc CDC Trung Quốc Cao Phúc (Gao Fu) đã ca ngợi những ưu điểm của công nghệ mRNA, cho rằng vaccine này có thể được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia hiện tại làm mũi thứ ba để tăng cường khả năng bảo vệ của hai liều vaccine bất hoạt. CDC Trung Quốc cũng đã khuyến nghị bổ sung liều lượng để bảo vệ tốt hơn chống lại sự lây lan của các chủng virus mới.

Hiện nay, Shanghai Fosun Pharma, một đối tác nghiên cứu và tiếp thị của BioNTech với độc quyền cung cấp vaccine mRNA của hãng này cho Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau và Đài Loan, cũng đã nộp đơn lên cơ quan quản lý dược phẩm của Trung Quốc để nhập khẩu vaccine từ Đức, với giải pháp đóng chai nội địa.

Tuần trước ông Cao Phúc và các chuyên gia CDC cho biết sẽ có "sự thay đổi nhanh chóng" từ các cơ quan quản lý đối với các loại vaccine công thức mới được chứng minh là có hiệu quả ở nước ngoài để đưa vào Trung Quốc và giúp chống lại bất kỳ đợt bùng phát dịch nào.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Người tiêm vaccine COVID-19 nguy cơ tử vong thấp hơn 25 lần người chưa tiêm
Người tiêm vaccine COVID-19 nguy cơ tử vong thấp hơn 25 lần người chưa tiêm

Ngay cả khi đã tiêm chủng mà vẫn nhiễm SARS-CoV-2, thì lợi ích mà mũi vaccine mang lại vẫn là rất quan trọng với cá nhân người tiêm và cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN