Trung Quốc cần tạo các ‘quan hệ hài hòa’ trên Biển Đông

Trang mạng  FPIF (Foreign Policy In Focus) vừa cho đăng tải bài phân tích về mối liên hệ giữa cách thức khẳng định quyền lực và con đường “phát triển hài hòa” mà Trung Quốc đang theo đuổi của tác giả Piero Sarmiento. Bài viết có một số nội dung đáng chú ý sau:

Việc Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự có thể không cản trở con đường “trỗi dậy hòa bình”, nhưng chắc chắn Bắc Kinh không thể thổi được niềm tin vào các nước láng giềng. Kể từ thời điểm Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo hồi năm ngoái, ê kíp mới của ông đã phải vật lộn xử lý mâu thuẫn giữa “trỗi dậy hòa bình” và “gia tăng tiềm lực quân sự”. Ông Tập tiếp tục giọng điệu phát triển hòa bình, nhưng chính sách đối ngoại của Trung Quốc thì đã bước sang một kỉ nguyên mới với sự hiếu chiến lớn hơn trong các vấn đề lãnh thổ.

Trung Quốc cho rằng đã vượt qua "thế kỷ bị ức hiếp" để có thể có hành động hiếu chiến hơn? Ảnh: Reuters


Những dấu hiệu đầu tiên về xu hướng này đã lộ rõ, liên quan đến những vùng biển xung quanh Trung Quốc. Philippines và Việt Nam đã có những phản ứng mạnh mẽ trước các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng trước, quân đội Philippines cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng xua đuổi tàu cá nước này quanh khu vực bãi cạn Scarborough. Thế nhưng chính vòi rồng này lại không thể là bằng chứng thể hiện tiềm năng tuyệt đối của hải quân Trung Quốc, nó chỉ cho thấy yếu kém của Bắc Kinh trong việc chứng minh chủ quyền lãnh thổ, buộc phải dựa vào sức mạnh. Liền sau đó là những hành động gây căng thẳng khác của Bắc Kinh, liên quan đến việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Cho đến gần đây, điểm yếu cốt tử của Hải quân Trung Quốc vẫn là khả năng tác chiến tầm xa. Thủ tướng Lý Quốc Cường nói, Quân giải phóng Nhân dân (PLA) đang cố gắng làm chủ các loại vũ khí công nghệ hiện đại để tăng cường hệ thống phòng không và phòng thủ bờ biển. Đó là những giàn tên lửa chống vệ tinh, khả năng tác chiến mạng, tên lửa chống tàu, lực lượng hạt nhân chiến lược, các loại vũ khí mới được chế tạo để có thể đẩy lùi bước tiếp cận của Mỹ tại khu vực mà Bắc Kinh cho là thuộc không gian ảnh hưởng của mình. Tập trung hiện đại hóa hải quân để “xác lập lại” chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông là một phần trong nỗ lực chuyển đổi toàn bộ cấu trúc quân đội của Bắc Kinh.

Chưa thể sánh với Mỹ, nhưng chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã có bước tăng mạnh, từ 139,2 tỉ USD lên 188 tỉ USD trong vòng 1 năm, chiếm khoảng 2% GDP. Điều này đã gây ra mối quan ngại đáng kể ở khu vực. Việc hiện đại hóa quân đội nhằm nhiều mục tiêu. Nó sẽ là bước đi để tái khẳng định danh tiếng quốc gia - một cường quốc kinh tế đang nổi. Nó cũng sẽ cổ vũ tinh thần dân tộc, dẹp bỏ mặc cảm về “yếu kém quốc gia”. Chính phủ Trung Quốc đã nhận thức sâu sắc rằng, đất nước mình đã thoát khỏi “thế kỉ bị ức hiếp” trước phương Tây.

Tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc cũng đẩy châu Á vào cuộc chạy đua, khi mà các nước cần phải tạo được thế đối trọng. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, chi tiêu quốc phòng của châu Á đã vượt châu Âu. Chỉ tính riêng Đông Á, con số này là 282 tỉ USD, vượt Trung Đông (150 tỉ USD), Nam Mỹ (67 tỉ USD) và châu Phi (45 tỉ USD) với Trung Quốc chiếm phần lớn. Tuy vẫn duy trì phát triển hài hòa, nhưng việc hiện đại hóa quân đội ở tốc độ cao đã thực sự đánh động cộng đồng quốc tế, làm hư hại các mối quan hệ quân sự, gây ra sự mất lòng tin và căng thẳng không cần thiết.

Nhiều nhà phân tích phương Tây lo ngại, hiện đại hóa quân đội này có thể là sự báo hiệu trước của một quan điểm hiếu chiến hơn. Để những lời nói “trỗi dậy hòa bình” có thể còn được nghe, Trung Quốc cần minh bạch hơn về ngân sách quốc phòng. Bắc Kinh cũng cần thuận theo đối sách ngoại giao thay vì tạo căng thẳng trong các tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng. Sự mập mờ trong những toan tính chủ yếu có thể sẽ đẩy một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực, tạo điều kiện để Mỹ xốc lại quan hệ đồng minh với nhiều nước đối tác. Chỉ bằng việc tạo ra các quan hệ hài hòa ở Biển Đông, Trung Quốc mới có thể lật ngược lại tiến trình, trước khi các bên liên quan nhận thấy rằng họ cần phải đoàn kết lại chống Trung Quốc.


HT (FPIF)
Trung Quốc học Mỹ áp dụng ‘Học thuyết Monroe’ trên biển Đông?
Trung Quốc học Mỹ áp dụng ‘Học thuyết Monroe’ trên biển Đông?

Hai thế kỉ trước đây, một nước Mỹ đang nổi lên dưới thời Tổng thống James Monroe tuyên bố: Tây bán cầu là vùng giới hạn ảnh hưởng của các cường quốc thực dân phương Tây. Dường như Trung Quốc đã học theo Mỹ trong các vấn đề xuyên Thái Bình Dương, với “Học thuyết Monroe” của riêng mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN