Trùm tài phiệt Ukraine hé lộ chuyện ‘động trời’ ở Kiev

Xuất hiện trước tòa án tại Vienna (Áo), tỉ phú Ukraine Dmytro Firtash đã phủ nhận có mối liên hệ với Nga, đồng thời tiết lộ nhiều thông tin về hậu trường chính trị Kiev.

Đã có sự dàn xếp để mở đường cho ông Petro Poroshenko trở thành tổng thống, thông qua một cuộc gặp thượng đỉnh ở Vienna. Đây là khẳng định của tỉ phú Firtash trong phiên xét xử kéo dài một ngày hồi tuần trước. Tại đó, thẩm phán đã quyết định từ chối yêu cầu của Mỹ đòi dẫn độ Firtash. Trùm tài phiệt này cũng nói rằng, cáo buộc của Mỹ nhằm vào ông (hối lộ các quan chức Ấn Độ) mang động cơ chính trị và là cách mà Washington muốn loại bỏ ông ra khỏi nền chính trị Ukraine tại một thời điểm nhạy cảm. Phiên tòa cũng cho thấy nhiều tình tiết mới liên quan đến các diễn biến chính trị gần đây ở Ukraine.

Dmytro Firtash (phải) được xem là người hậu thuẫn tài chính mạnh nhất cho ông Viktor Yanukovych trong chiến dịch tranh cử năm 2010. Ảnh: Reuters


Firtash là một trong những nhân vật quyền lực nhất trong giới tài phiệt ở Ukraine – một nhóm nhỏ các cá nhân nhưng kiểm soát phần lớn các hoạt động kinh doanh ở Ukraine. Thông thường, những người này hay đứng trong “bóng tối”. Thế nhưng với việc cáo buộc Mỹ, Firtash đã bộc lộ ảnh hưởng chính trị của mình ở Ukraine. Trùm tài phiệt này khai nhận, chính ông đã đứng ra dàn xếp một cuộc gặp thượng đỉnh ở Vienna sau “Cách mạng Maidan” với sự tham dự của Vitali Klitschko và ông Poroshenko – người sau đó trở thành tổng thống. Sau cuộc gặp, võ sĩ Klitschko đồng ý sẽ chỉ tranh cử chức Thị trưởng Kiev, không tham gia cuộc đua chức tổng thống – Firtash nói. Tại một đất nước mà mọi quyết định lớn đều được thực hiện sau bức màn kín, thì những tiết lộ của trùm tài phiệt trên đã gây ra phản ứng trái chiều.

Vasyl Rasevych, một nhà nghiên cứu lịch sử bình luận, thông tin này cho thấy, tổng thống Ukraine thực sự là do giới tài phiệt “chỉ định”. “Tại Ukraine, sau cuộc cách mạng Maidan, vẫn không có một nền chính trị đích thực. Đất nước vẫn nằm dưới sự điều hành của giới tài phiệt. Những người từng tuyên bố là đối lập, thề sẽ thay đổi thể chế này thực chất cũng chỉ là nói dối, họ vẫn tiếp tục có những thỏa thuận ngầm sau bức màn kín theo cung cách của ông Yanukovych”, Vasevych bình luận.

Một số người thì nói rằng, Firtash rõ là muốn đánh bóng tên tuổi để khẳng định vị thế của mình, tránh bị dẫn độ, khiến tiến trình điều tra pháp lý có thể bị sai lệch kết quả. Klitschko phủ nhận một cách “không rõ ràng”, chỉ nói rằng những thông tin mà Firtash đưa ra là “không chính xác”. Svyatoslav Tsegolko, phát ngôn viên Phủ Tổng thống, bình luận: Ông Poroshenko đã đưa ra quan điểm nhất quán về vấn đề trên, thể hiện qua chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái. Tsegolko cũng khẳng định Tổng thống Poroshenko là người muốn diệt trừ nạn tài phiệt hóa, rõ nhất là quyết định cách chức thống đốc vùng Dnipropetrovsk đối với tỉ phú Ihor Kolomoisky hồi tháng 3 vừa qua. Ông Poroshenko thừa nhận có cuộc gặp với Firtash ở Vienna, trong chuyến đi sang Áo, dự sinh nhất của anh chai Klitschko, nhưng không bình luận sâu về thông tin mà Firtash tiết lộ.

Victoria Voytsitska, nghị sĩ Quốc hội Ukraine nhìn nhận: “Nếu quả thực đã có một sự dàn xếp ở Vienna, thì ông Poroshenko cần thừa nhận và công bố toàn bộ nội dung thỏa thuận… Nếu Tổng thống không đưa ra bình luận, thì sẽ xuất hiện nhiều nghi ngờ, mọi người cho rằng ông đang che giấu sự thật, không còn tin vào những tuyên bố về chống giới tài phiệt”. Cùng quan điểm trên, nghị sĩ Olga Belkova thuộc Khối Poroshenko bày tỏ, “giờ là thời điểm mà hệ thống cần phải được dọn sạch, hoặc là mọi thứ sẽ vẫn như cũ”.

Ở một khía cạnh khác, thông tin mà Firtash đưa ra cũng cho thấy mức độ can dự của Mỹ vào nền chính trị Ukraine. Giới phân tích nhận định, việc Mỹ buộc tội ông này dựa trên cáo buộc “đưa hối lộ cho giới chức Ấn Độ” trong một hợp đồng khai thác titan ít có tính thuyết phục, nhất là tính đến yếu tố thời điểm nêu yêu cầu bắt giữ, dẫn độ. Các cáo buộc nhằm vào Firtash xuất hiện từ tháng 4/2006, thế nhưng đến tháng 6/2013 vẫn chưa có bất kì một cáo trạng chính thức nào được phía Mỹ đưa ra. Lệnh yêu cầu dẫn độ mà phía Mỹ gửi cho chính phủ Áo đề ngày 30/10/2013, sau rút lại, đổi thành ngày 4/11/2013. Washington tái yêu cầu dẫn độ trong một văn bản đề ngày 27/2/2014. Phía Áo bắt giữ Firtash vào ngày 12/3 sau đó.

Trước tòa, trùm tài phiệt này so sánh tiến trình yêu cầu bắt giữ, dẫn độ này trùng khít với những quãng thời gian mà Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland xuất hiện ở Kiev, ngầm nói rằng Mỹ sử dụng vụ “bắt giữ, dẫn độ” này để gây sức ép để buộc ông Yanukovych phải ký kết hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU). Tại thời điểm đó, Firtash là người thân cận với Yanukovych, nắm trong tay nhiều bí mật.


Hoài Thanh (Theo Guardian, I.C.H)

Tiết lộ mới: Tài phiệt giàu nhất Ukraine 'bắt tay' quân ly khai
Tiết lộ mới: Tài phiệt giàu nhất Ukraine 'bắt tay' quân ly khai

Alexander Borodai, cựu thủ lĩnh Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng nói rằng, tỉ phú Rinat Akhmetov là người ủng hộ lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN