Triều Tiên tiếp tục bắn nhiều tên lửa hành trình

Vụ thử vũ khí mới nhất diễn ra ngay sau khi Bình Nhưỡng đe dọa trả đũa hạt nhân.

Chú thích ảnh
Hình ảnh vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 do hãng thông tấn Triều Tiên KCNA công bố hôm 13/7. Ảnh: AFP

Ngày 22/7, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) xác nhận CHDCND Triều Tiên đã phóng một loạt tên lửa hành trình về vùng biển phía Đông rạng sáng cùng ngày.

Báo cáo từ Seoul cho biết, các cơ quan tình báo của Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên xảy ra vào khoảng 4:00 sáng ngày 22/7 để xác định loại tên lửa và các chi tiết khác.

Vụ phóng mới nhất diễn ra ba ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn về vùng biển phía Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho biết hai vật thể bay của Triều Tiên dường như đã rơi bên ngoài vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) của nước này. Theo đó, các tên lửa đã bay được khoảng 600km ở độ cao tối đa là 50km, và dường như có quỹ đạo bất thường. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều cho biết đã phản đối Triều Tiên liên quan đến vụ phóng này thông qua một kênh ngoại giao.

Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng tên lửa trước đó vào ngày 12/7. Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 loại mới được cho là đã bay hơn 1.000 km (621 dặm) ở độ cao tối đa hơn 6.000 km trên quỹ đạo.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã cảnh báo Bình Nhưỡng về một sự “hủy diệt” nếu xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân chống lại Seoul sau khi Triều Tiên nói rằng việc triển khai tàu ngầm hạt nhân của Mỹ trong khu vực có thể là một lý do đủ để nước này sử dụng vũ khí hạt nhân.

Hôm 20/7, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun Nam đã chỉ trích việc triển khai một tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân của Mỹ ở Hàn Quốc hồi đầu tuần, nói rằng Bình Nhưỡng có khả năng coi đó là cơ sở đủ để sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ.

Bộ trưởng Kang Sun-nam cáo buộc Washington và Seoul đã "vượt quá 'lằn ranh đỏ' và lập luận rằng việc triển khai tàu ngầm hạt nhân và các vũ khí chiến lược khác sẽ nằm trong các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân được quy định trong học thuyết quân sự của Triều Tiên.

Bình Nhưỡng nhấn mạnh, bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại, Washington và Seoul đã tổ chức một cuộc họp của "nhóm tư vấn hạt nhân" mới vào ngày 18/7 để thảo luận về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Triều Tiên.

Sự gia tăng căng thẳng mới nhất diễn ra sau khi tàu USS Kentucky cập cảng Busan, đánh dấu chuyến ghé cảng đầu tiên tới bán đảo Triều Tiên của một tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân của Mỹ kể từ những năm 1980. Tàu ngầm lớp Ohio có thể mang tới 20 tên lửa liên lục địa Trident II D5.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuyên bố rằng Washington sẵn sàng đàm phán "mà không cần điều kiện tiên quyết để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", đồng thời lập luận rằng việc triển khai một tàu ngầm có khả năng hạt nhân là cần thiết để bảo vệ không chỉ các đồng minh, mà còn cả 38.000 binh sĩ Mỹ và gia đình của họ ở Hàn Quốc

Hoài Nam/Báo Tin tức (Theo RT, Sputnik)
Quan chức Lầu Năm Góc: Triều Tiên sở hữu tên lửa có thể vươn tới Mỹ
Quan chức Lầu Năm Góc: Triều Tiên sở hữu tên lửa có thể vươn tới Mỹ

Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Quân đội Mỹ, Đô đốc John Aquilino, cho biết Triều Tiên đã phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể vươn tới Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN