Triều Tiên đề nghị đối thoại với Hàn Quốc

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 5/1 cho biết, Bình Nhưỡng đã ra một thông cáo đề nghị đối thoại với Hàn Quốc nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng cũng như loại bỏ sự hiểu lầm, thiếu tin tưởng. Thông cáo nêu rõ sự đối đầu không thể giải quyết vấn đề giữa hai miền Triều Tiên mà chỉ có thể dẫn tới xung đột quân sự và chiến tranh. Triều Tiên cho rằng chỉ có đối thoại và đàm phán mới có thể phá vỡ tình thế khó khăn này.

Theo thông cáo trên, Bình Nhưỡng mong muốn tiến hành đối thoại, đàm phán với phía Xơun. Bất kể Hàn Quốc đã làm gì trong quá khứ, phía Triều Tiên vẫn sẵn sàng gặp đối tác Hàn Quốc tại bất cứ đâu và bất cứ khi nào, thảo luận tất cả các vấn đề, bao gồm cả tình hình căng thẳng hiện nay, hòa bình, hòa giải và thống nhất với Hàn Quốc trên bàn đàm phán.

Trước đó, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên đã lên tiếng kêu gọi sớm chấm dứt tình trạng đối đầu giữa hai miền Triều Tiên và mở ra một giai đoạn mới cho sự tái thống nhất độc lập. Tờ báo này cũng nhấn mạnh việc tháo gỡ tình trạng đối đầu về chính trị và quân sự trên bán đảo Triều Tiên là "yêu cầu cơ bản" để cải thiện quan hệ liên Triều, thúc đẩy tái hòa giải dân tộc, hợp tác và thống nhất đất nước. Phía Triều Tiên đồng thời đã kêu gọi chính quyền Hàn Quốc chấm dứt chính sách đối đầu và chiến tranh chống Bình Nhưỡng.

Tuyên bố trên của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Bosworth ngày 5/1 đã tới Bắc Kinh trong lịch trình công du 3 nước Đông Bắc Á nhằm xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Theo Tân Hoa xã, trước đó ông Bosworth đã gặp trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc Wi Sung-lac tại thủ đô Xơun (Hàn Quốc) trong nỗ lực điều phối quan điểm của các bên liên quan tới đàm phán sáu bên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận các điều kiện có thể để tái khởi động đàm phán cũng như các bước đi tiếp theo nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân.

Hàn Quốc hiện đang cân nhắc việc đề nghị Triều Tiên ngừng toàn bộ các chương trình hạt nhân hiện có, cho phép các thanh sát viên Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế trở lại để giám sát, đồng thời thực hiện tuyên bố chung do các bên tham gia đàm phán sáu bên đưa ra năm 2005 về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Quang Minh (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN