Trên 103 triệu người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 29/3, thế giới đã ghi nhận 2.798.020 người tử vong vì mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Số người nhiễm hiện là 127.897.281, tuy nhiên đã có 103.081.387 người phục hồi và được xuất viện. Trong số hơn 22 triệu ca đang được điều trị hiện nay, có 0,4% (tức 93.810 ca) đang phải điều trị tích cực.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Brasilia, Brazil, ngày 25/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ hiện vẫn đứng đầu thế giới cả về số ca nhiễm (hơn 30,9 triệu) và số ca tử vong (562.551 ca). Brazil đứng thứ hai với các con số lần lượt là 12.534.688 ca nhiễm và 312.299 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ ba với số ca nhiễm tương đương Brazil (12.039.644 ca) nhưng số ca tử vong chỉ hơn 1/3 (161.881 ca). Còn lại trong tốp 10 đều là những cái tên ở châu Âu như Pháp, Nga, Anh (đều trên 4,3 triệu ca nhiễm), hay Italy, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ (đều trên 3,2 triệu ca nhiễm) và Đức đứng thứ 10 với 2.786.345 ca nhiễm.

Đặc biệt tại Pháp, nhà chức trách cảnh báo các bệnh viện của Paris sẽ sớm rơi vào quá tải do số lượng lớn bệnh nhân COVID-19 nhập viện dồn dập, và có nguy cơ buộc phải ngừng tiếp nhận bệnh nhân trong 10, 15 ngày hoặc 3 tuần tới. Người đứng đầu Ủy ban Y tế của nhóm các bệnh viện Paris AP-HP, ông Remi Salomon đề xuất nhà chức trách triển khai đợt phong tỏa mới, trong đó có lệnh đóng cửa các trường học. Trong khi đó, Slovenia cũng cho biết sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế đến giữa tháng 4 sau khi xem xét tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia láng giềng. Thủ tướng Janez Jansa đã thông báo lệnh đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu cũng như các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, cấm tập trung đông người và hạn chế đi lại trong thời gian từ ngày 1-12/4 tới. Toàn châu Âu hiện ghi nhận 39.106.997 ca nhiễm và 903.716 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Tijuana, Mexico, ngày 27/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bắc Mỹ hiện đứng sau châu Âu với 35.640.740 ca nhiễm và 815.359 ca tử vong. Mexico đứng thứ hai của khu vực này, song số ca nhiễm ít hơn nhiều so với Mỹ, hiện là 2.226.550 ca, trong khi số ca tử vong gần bằng một nửa của Mỹ, hiện là 201.623 ca. Khu vực Nam Mỹ cũng đã ghi nhận tổng cộng 20.826.207 ca nhiễm và 540.886 ca tử vong.

Tại châu Á, hơn 28 triệu người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 và 424.695 người đã tử vong. Ngày 29/3, Mông Cổ và Philippines đã ghi nhận ngày có nhiều ca nhiễm nhất. Ngày 29/3, số ca nhiễm tại Ấn Độ đã vượt mốc 12 triệu, lên 12.039.644 ca sau khi ghi nhận thêm 68.020 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Với 291 ca tử vong mới trong cùng thời gian, tổng số ca tử vong do căn bệnh này ở Ấn Độ hiện là 161.843 người.

Trong khi đó, Philippines cũng lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 ca nhiễm mới trong một ngày, khiến vùng thủ đô Manila phải tái phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Hơn 24 triệu người sống tại vùng thủ đô phải ở trong nhà, ngoại trừ những người làm việc trong các ngành thiết yếu. Các buổi lễ tại nhà thờ và hoạt động tập trung đông người đều bị cấm. Lệnh giới nghiêm được áp dụng từ 18h đến 5h sáng hôm sau và giảm tối đa hoạt động giao thông công cộng. Chỉ các siêu thị, cửa hàng thuốc và cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu được phép hoạt động. Hoạt động tập thể dục ngoài trời cũng bị cấm.

Chú thích ảnh
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 28/3/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Tại Hàn Quốc, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới theo ngày có xu hướng gia tăng, nước này sẽ cấm ăn uống tại các cơ sở tập trung đông người. Quy định sẽ được áp dụng tại các cơ sở tụ tập đông người như sân vận động, thư viện, bảo tàng, quán karaoke, phòng tắm hơi công cộng hay rạp chiếu phim và có hiệu lực từ ngày 29/3. Sau một tuần thực hiện, các trường hợp vi phạm sẽ bị phạt 100.000 won (88 USD) bắt đầu từ ngày 5/4 tới. Tuy nhiên, quy định không áp dụng với những cơ sở có các khu vực riêng biệt đã được cấp phép phục vụ  ăn uống. Trong khi đó, tại Campuchia, sau nhiều ngày số ca mắc trong cộng đồng tăng ở mức hơn 100 ca mỗi ngày, Bộ Y tế xác nhận tại số ca mắc tại nước này tăng chậm lại, ngày 29/3 hiện chỉ có 40 ca mắc mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 22/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 29/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết mọi giả định về nguồn gốc của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn để ngỏ và cần được nghiên cứu thêm. Ông đưa ra bình luận trên sau khi các hãng tin AFP và AP đưa tin về dự thảo báo cáo của WHO sau chuyến thăm là việc tại Vũ Hán (Trung Quốc) để nghiên cứu và đã đưa ra 4 khả năng virus SARS-CoV-2 truyền bệnh sang con người trước khi lây lan ra khắp thế giới. Theo ông, nhóm chuyên gia quốc tế sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 30/3 để thảo luận về những gì đã phát hiện được trong chuyến đi và báo cáo cuối cùng sẽ được công bố trên trang mạng của WHO cùng ngày.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 được phân phối theo cơ chế COVAX tại làng Salem, phía đông thành phố Nablus, Bờ Tây, ngày 17/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, WHO đã cảnh báo về khoảng cách ngày càng nới rộng trong việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 tới những nước giàu có và những nước nghèo hơn thông qua Cơ chế cung cấp vaccine toàn cầu (COVAX) do tổ chức này đứng đầu. Tổng Giám đốc Ghebreyesus nêu rõ việc phân phối thiếu cân bằng vaccine ngừa COVID-19 không chỉ trái với đạo đức, mà còn gây tổn hại về mặt kinh tế và dịch tễ học. Ông nhấn mạnh chừng nào virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan khắp mọi nơi, tính mạng của người dân vẫn bị đe dọa, trong khi các hoạt động thương mại và đi lại sẽ tiếp tục bị gián đoạn, kéo theo đó là đà phục hồi kinh tế chậm chạp.

Bích Liên (TTXVN)
Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh cần thêm nghiên cứu về nguồn gốc của đại dịch COVID-19
Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh cần thêm nghiên cứu về nguồn gốc của đại dịch COVID-19

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết mọi giả định về nguồn gốc của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn để ngỏ và cần được nghiên cứu thêm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN