Tranh cãi xung quanh chiến dịch “Người Pháp dùng hàng Pháp"

Sau chiến dịch truyền thông nhằm cổ súy cho các sản phẩm "Made in France" (sản xuất tại Pháp), Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Arnaud Montebourg mới đây đã lên tiếng bác bỏ những quan ngại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về chủ nghĩa bảo hộ và cho rằng tổ chức này đã không thể ngăn chặn được tình trạng cạnh tranh không công bằng.


Ông Montebourg vận một chiếc áo len tay dài Breton có sọc mang tính tượng trưng xuất hiện trên trang bìa tờ tạp chí Le Parisien (Người Pari) để kêu gọi sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm của Pháp. Động thái này diễn ra vào thời điểm nước Pháp chuẩn bị cho những cải cách nhằm lấy lại khả năng cạnh tranh đã mất trên thị trường thế giới, khi chính phủ của Tổng thống Francois Hollande đang chịu sức ép từ giới chủ trong vấn đề hạ chi phí nhân công mà họ cho rằng đang khiến các sản phẩm của Pháp trở nên quá đắt đỏ.

 

Bộ trưởng Montebourg lên bìa tạp chí Le Parisien cổ vũ “Người Pháp dùng hàng Pháp”. Ảnh: Internet


Tổng Giám đốc WTO, Pascal Lamy, cảnh báo cuối tuần trước rằng những hành động theo tinh thần đó có thể trở thành "chủ nghĩa bảo hộ ái quốc", trong lúc nhấn mạnh rằng thương mại toàn cầu được tạo nên bởi những nước mở cửa cho hàng hóa nhập khẩu. Ông Montebourg bác lại rằng, ông Lamy nên giải quyết tình trạng mất cân bằng giữa các nước công nghiệp để bảo vệ tốt hơn các doanh nghiệp Pháp nói riêng và châu Âu nói chung. Ông nhắc lại việc Trung Quốc đã gia nhập WTO một cách vô điều kiện vào năm 2001 và hàng trăm nghìn người lao động châu Âu đã bị mất việc làm vì sự cạnh tranh không công bằng trong nền kinh tế thế giới.


Cao ủy phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu, Karel de Gucht, nói sự cổ súy của ông Montebourg cho việc tiêu dùng hàng trong nước là vô nghĩa, bởi nước Pháp có những công ty mạnh nhất nằm trong nhóm 500 hàng đầu thế giới. Ông cho rằng, Pháp không thể một mình chia lại các con bài trong cuộc chơi thương mại toàn cầu khi những công ty đó có thể kinh doanh ở nước ngoài tốt hơn ở trong nước. Ông đặt ra câu hỏi, liệu ông Montebourg sẽ công nghiệp hóa lại nước Pháp bằng cách nào với một tuần làm việc 35 giờ và không giải quyết vấn đề chi phí nhân công cao. Ông không cho rằng ông Montebourg sẽ có mối quan tâm lớn đối với vấn đề này về lâu dài.


Ông Montebourg, người muốn rằng các giá để hàng ở các siêu thị tại Pháp chỉ bày hoàn toàn là sản phẩm của Pháp, đã chỉ trích tập đoàn đa quốc gia như tập đoàn thép ArcelorMittal về các kế hoạch đóng cửa một số hoạt động ở Pháp. Ông cũng đang thúc đẩy việc soạn thảo luật nhằm buộc các công ty tìm kiếm người mua những hoạt động như vậy hơn là đóng cửa chúng, một động thái mà một số nghiệp đoàn lao động cho rằng sẽ khó mà thực thi được.


Số lao động thất nghiệp tại Pháp đã chạm mức cao nhất trong 13 năm là trên 3 triệu người, tức 10% lực lượng lao động và số liệu thương mại mới nhất cho thấy thâm hụt tài khoản vãng lai tăng trong tháng 8/2012. Các số liệu chính thức cho thấy ngành công nghiệp của Pháp hiện đóng góp khoảng 13,5% GDP, giảm so với gần 18% vào giữa những năm 1970. Hiệp hội giới chủ Medef đã kêu gọi chính phủ có biện pháp nhằm cắt giảm mạnh chi phí nhân công hiện đang nằm trong số những mức cao nhất ở châu Âu cùng với các nước như Thụy Điển và Bỉ.


Tuy nhiên, chính phủ Pháp miễn cưỡng trong việc giảm chi phí nhân công để chuyển sang các nguồn thu khác như thuế giá trị gia tăng, khi cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, với dự báo của các nhà phân tích là tăng khoảng 0,4% trong năm tới. Ông Montebourg nói hàng hóa của Pháp có sức hấp dẫn lớn và điều này cần được giữ vững.


Theo các quy định của Pháp, các công ty có thể quảng cáo hàng hóa của họ là "Made in France" nếu khâu cuối cùng trong quy trình sản xuất là ở Pháp, có nghĩa là các linh kiện hay thậm chí là một phần quy trình lắp ráp có thể không phải là của Pháp hay ở Pháp. Ông thừa nhận rằng khái niệm 100% của Pháp không còn tồn tại.

 

TKT

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN