Tổng thống Yêmen không nhượng bộ phe đối lập

Tổng thống Yêmen Ali Abdullah Saleh ngày 3/4 đã kêu gọi phe đối lập chấm dứt biểu tình trên các đường phố. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy ông Saleh không có ý định từ chức và nhượng bộ với lực lượng chống chính phủ.

Những người biểu tình chống chính phủ hô vang khẩu hiệu yêu cầu Tổng thống Yêmen Ali Abdullah Saleh từ chức trong cuộc biểu tình tại thủ đô Sanaa ngày 2/4.AFP-TTXVN


Trước đó, các đảng đối lập ở Yêmen đã đề xuất 5 điều kiện với Tổng thống Saleh, trong đó đề nghị ông Saleh chuyển giao quyền lực hoà bình cho Phó Tổng thống Abdrabuh Mansur Hadi - một thành viên trong đảng cầm quyền. Sau đó, Phó Tổng thống sẽ ngay lập tức cải tổ Cơ quan an ninh quốc gia, Lực lượng an ninh trung tâm và Lực lượng bảo vệ cộng hòa, đồng thời cùng lực lượng đối lập thành lập một ủy ban quốc gia lâm thời để soạn thảo hiến pháp mới. Phe đối lập cho biết đề xuất này là cơ hội cuối cùng để ông Saleh ra đi một cách suôn sẻ và chuyển giao quyền lực cho cấp phó.

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, đảng cầm quyền của ông Saleh cho biết họ chưa nhận được đề xuất chuyển giao quyền lực như thế nào từ phe đối lập. Theo bình luận của Tân Hoa xã, Yêmen đang ở thời điểm quan trọng trong bối cảnh Tổng thống Saleh quyết không từ chức còn phe đối lập tuyên bố sẽ tăng cường biểu tình. Các nhà quan sát cho rằng biểu tình sẽ leo thang và thậm chí sẽ khiến Yêmen lâm vào tình trạng hỗn loạn.

lTại Xyri, ngày 3/4, Tổng thống nước này Bashar al-Assad đã đề nghị ông Adel Safar, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp, thành lập chính phủ mới. Theo hãng thông tấn Nhà nước Xyri (SANA), ông Safar, 58 tuổi, thành viên đảng BAATH, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Đamát trước khi làm bằng tiến sĩ tại Pháp, giữ chức Bộ trưởng Nông nghiệp từ năm 2003 dưới quyền Thủ tướng Naji al-Otari. Tuần trước, Tổng thống al-Assad đã chấp nhận đơn từ chức của chính phủ của Thủ tướng al-Otari, trong bối cảnh tình hình bất ổn gia tăng và các cuộc đụng độ giữa phong trào biểu tình và lực lượng an ninh nước này đã làm khoảng 50 người thiệt mạng.

* Tại Ápganixtan, các quan chức địa phương cho biết ngày 3/4, ít nhất một người đã chết và 16 người bị thương khi những cuộc biểu tình mới bùng phát tại tỉnh Kandahar của Ápganixtan nhằm phản đối hành động đốt kinh Koran ở Mỹ.

Trước đó, khoảng 1.000 người đã phong tỏa tuyến quốc lộ chính ở miền đông Ápganixtan nối từ Cabun đến Jalalabad và đốt cờ Mỹ. Họ tuần hành qua thành phố Kandahar ở miền nam đến một văn phòng của LHQ, trong khi cũng có hàng trăm người khác đổ ra đường ở thành phố Charikar, thủ phủ tỉnh Parwan, ở phía bắc thủ đô Cabun.

Đức Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN