Tổng thống Yêmen A. Saleh đặt điều kiện từ chức

Tổng thống Yêmen Ali Abdullah Saleh ngày 20/10 tuyên bố sẵn sàng ký vào sáng kiến giải quyết khủng hoảng mà Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đề xuất với điều kiện nhận được bảo đảm từ GCC, Mỹ và Châu Âu liên quan đến lịch trình của kế hoạch này.

Hàng chục ngàn người biểu tình đã tập trung ở thủ đô Xana ngày 19/10 yêu cầu ông tổng thống Saleh từ chức. Ảnh: THX-TTXVN

Ông Saleh nói tại một cuộc họp của đảng cầm quyền: "Tôi sẽ ký. Nhưng hãy đưa ra những bảo đảm để thực hiện kế hoạch của GCC. Trước hết, chúng tôi muốn có sự bảo đảm của GCC sau đó là Châu Âu và Mỹ. Ba sự bảo đảm phải đi cùng với kế hoạch của GCC. Một phần của những sức ép hiện nay là đòi hỏi thỏa thuận được ký mà không có bất cứ điều kiện nào cũng như việc thảo luận khung thời gian thực hiện ở giai đoạn sau đó".

Ông Saleh cũng hoan nghênh việc thảo luận khủng hoảng chính trị tại Yêmen mà Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đưa ra, đồng thời tuyên bố mọi nghị quyết của LHQ về Yêmen đều được hoan nghênh. Ông Saleh cũng nhắc lại rằng ông không chống lại các cuộc biểu tình của thanh niên, nhưng tuyên bố cuộc cách mạng của họ đã bị tướng quân đội bị thất sủng Ali Mohsen al-Ahmar, những người thuộc các bộ lạc li khai có vũ trang và lãnh đạo lực lượng đối lập làm cho chệch hướng. Ông Saleh nói: "Họ không chỉ yêu cầu một người ra đi. Họ yêu cầu tôi rời bỏ đất nước. Họ cũng yêu cầu 4 triệu người đã bỏ phiếu cho tôi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2006 cũng phải ra đi".

Cùng ngày, Mỹ đã bác bỏ điều kiện mà Tổng thống Saleh đưa ra cho sự từ chức của mình, đồng thời cho rằng thêm những bảo đảm là không cần thiết. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố: "Chúng tôi không nghĩ rằng bất cứ một sự bảo đảm mới nào là cần thiết. Đơn giản, chúng tôi chỉ yêu cầu Tổng thống Saleh thực hiện cam kết ký thoả thuận chuyển giao quyền lực của GCC". Ông Toner nhấn mạnh, vấn đề thực sự đó là Tổng thống Saleh và việc ông ta cứ từ chối ký vào kế hoạch trên.

HĐBA LHQ cuối tuần này hoặc đầu tuần sau sẽ thông qua một nghị quyết lên án các hành động bạo lực tại Yêmen. Cuối tháng 6/2011, HĐBA LHQ đã ra một tuyên bố về Yêmen, thể hiện quan ngại trước tình hình ở nước này và ủng hộ sáng kiến của GCC. Nga và Trung Quốc đã phản đối tuyên bố này, song theo các nhà ngoại giao ở New York, hai nước này có thể sẽ không cản trở bản dự thảo nghị quyết mới.

Tại Yêmen, các cuộc biểu tình phản đối 33 năm cầm quyền của ông Saleh bùng nổ từ đầu năm và kéo dài đến nay, đã làm ít nhất 861 người bị thiệt mạng và 25.000 người khác bị thương. Tình hình chính trị tại Yêmen càng trở nên bế tắc kể từ khi ông Saleh trở về nước ngày 23/9, sau ba tháng dưỡng thương tại Arập Xêút, do ông tiếp tục từ chối ký sáng kiến của GCC.

Theo sáng kiến của GCC, Tổng thống Saleh có 30 ngày để từ chức sau khi ký thỏa thuận và được miễn truy tố. Sau đó, phe đối lập sẽ thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc trong vòng bảy ngày và chính phủ mới sẽ tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống trong vòng 60 ngày.

Thanh Bình
(P/v TTXVN tại Trung Đông)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN