Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Châu Âu đang 'hoảng loạn' trước cuộc khủng hoảng di cư từ Ukraine

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết các quốc gia châu Âu đang trong tình trạng “hoảng loạn” trước dòng người di cư từ Ukraine.

Chú thích ảnh
Người di cư từ Ukraine xếp hàng dài chờ được đến đến cửa khẩu Medyka, Ba Lan. Ảnh: AP

Theo đài RT (Nga), trong bài phát biểu trước những người ủng hộ ở thị trấn Kizilcahamam hôm 5/6, ông Erdogan tuyên bố: “Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã giải quyết thành công tình trạng người di cư bất hợp pháp từ Syria trong suốt 11 năm, chúng tôi đang chứng kiến tình trạng hoảng loạn ở châu Âu do hậu quả của cuộc khủng hoảng Ukraine – Nga”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ hy vọng “thế giới sẽ thoát khỏi thời kỳ nguy cấp hiện nay càng sớm càng tốt”.

Theo báo cáo của ông Amin Awad - Trợ lý Tổng thư ký và điều phối viên khủng hoảng của Liên hợp quốc về vấn đề Ukraine - kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2, có gần 14 triệu người Ukraine đã phải di cư, 6 triệu người trong số đó đã chạy sang các nước láng giềng. Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) như Ba Lan, Romania và Hungary nằm trong số những điểm đến hàng đầu của người Ukraine, ngoài Nga. 

Ngoài vấn đề di cư do xung đột Ukraine,Tổng thống Erdogan cũng đề cập đến đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, được đệ trình vào giữa tháng 5, với lý do nhận thấy mối đe dọa từ Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhắc lại quan điểm cứng rắn rằng Ankara sẽ tiếp tục ngăn cản hai quốc gia này gia nhập khối quân sự “cho đến khi các yêu cầu của chúng ta được đáp ứng”.

Để được kết nạp vào NATO, Thụy Điển và Phần Lan cần có sự đồng thuận nhất trí của tất cả 30 thành viên liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Do đó, sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến hy vọng sớm gia nhập liên minh của hai quốc gia Bắc Âu này gặp thách thức lớn. Trong khi đó, Ankara khẳng định họ sẽ chỉ đồng thuận nếu Thụy Điển, Phần Lan ngừng ủng hộ những người có liên quan đến đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các tổ chức người Kurd khác mà Ankara coi là khủng bố.

Một vấn đề lớn khác là quyết định năm 2019 của Stockholm và Helsinki về việc áp lệnh cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc tấn công quân sự của Ankara vào miền bắc Syria chống lại các tay súng người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm vận này.

Trong bài phát biểu cùng ngày, ông Erdogan cũng lập luận rằng “hệ thống mà phương Tây đã xây dựng để bảo vệ an ninh và phúc lợi của chính họ đang sụp đổ”. Ông kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần thực hiện một cuộc cải tổ lớn, ông nhấn mạnh “Trái Đất không chỉ có 5 quốc gia thành viên thường trực trong hội đồng”.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO, có chung đường biên giới với cả Ukraine - Nga ở Biển Đen. Quốc gia này có lập trường trung lập trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2. Ankara duy trì quan hệ với cả hai bên, không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva và cố gắng đảm nhận vai trò hòa giải trong cuộc xung đột.

Cuối tháng 3, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao Nga - Ukraine nhưng cuối cùng không đạt được bất kỳ bước đột phá nào, mặc dù cả hai bên đều báo hiệu những tiến bộ nhất định. Kể từ đó, quá trình đàm phán đã bị đình trệ, cả Kiev và Moscow đổ lỗi cho nhau khiến đàm phán rơi vào bế tắc. Trong động thái mới đây nhất, hôm 30/5, Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng tổ chức một vòng đàm phán mới giữa Nga và Ukraine tại Istanbul.

Hải Vân/Báo Tin tức
Tướng Mỹ kêu gọi cung cấp cho Ukraine chiến đấu cơ thời Liên Xô
Tướng Mỹ kêu gọi cung cấp cho Ukraine chiến đấu cơ thời Liên Xô

Tổng chỉ huy Lực lượng Vệ binh Quốc gia California đã đề xuất Chính phủ Mỹ và giới chức các quốc gia phương Tây khác cung cấp máy bay chiến đấu thời Liên Xô cho Ukraine, loại vũ khí mà Kiev đã yêu cầu từ lâu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN