Tổng thống Putin tiết lộ thời điểm thực sự bắt đầu xung đột với Ukraine

Tổng thống Nga cho rằng NATO đã đặt nền móng cho tình trạng bế tắc hiện tại và nguồn cơn của xung đột đã có từ cách đây 6 năm.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

Đài RT ngày 16/1 dẫn phát biểu của Tổng thống Nga Putin cho rằng, phương Tây đã kích động cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine bằng cách mời chào Kiev về triển vọng trở thành thành viên NATO. Theo ông Putin, động thái này đã thay đổi mạnh mẽ tình hình an ninh trên lục địa, và tình trạng bế tắc hiện tại bắt đầu không phải vào năm 2022 mà là từ năm 2008.

Cũng trong cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo cộng đồng địa phương trên khắp nước Nga ngày 16/1, ông Putin đã trích dẫn lời một cựu tổng thống Séc, người mà theo ông “gần đây” đã thừa nhận rằng “cuộc chiến” giữa Kiev và Moskva bắt đầu vào mùa hè năm 2008 khi khối quân sự do Mỹ dẫn đầu quyết định “mở cửa với Ukraine và Gruzia”. Không rõ liệu có phải nhà lãnh đạo Nga có đang nói đến ông Milos Zeman, người có quan hệ thân thiết với Moskva trong nhiều năm nhưng đã lên án mạnh mẽ Nga hồi tháng 2/2022 khi nước này bắt đầu chiến dịch quân sự chống Kiev. Cũng không rõ tuyên bố chính xác của vị cựu tổng thống Séc mà ông Putin đề cập đến là gì.

Phát biểu với những người đứng đầu cộng đồng địa phương, Tổng thống Nga tuyên bố rằng quyết định năm 2008 của NATO “đã thay đổi hoàn toàn tình hình ở Đông Âu”. Ông cũng lưu ý rằng khi Ukraine trở thành một quốc gia độc lập vào đầu những năm 1990, nước này đã tuyên bố trung lập.

Tuyên bố Chủ quyền nhà nước của Ukraine, được thông qua vào tháng 7/1990, nói rằng Ukraine đã tuyên bố “ý định trở thành một quốc gia trung lập vĩnh viễn, không tham gia vào bất kỳ khối quân sự nào và tuân thủ các nguyên tắc phi hạt nhân: không chấp nhận, sản xuất hoặc mua vũ khí hạt nhân”.

Tình hình bắt đầu thay đổi nhanh chóng sau cuộc đảo chính Maidan năm 2014 do phương Tây hậu thuẫn ở Kiev. Cuối năm đó, Quốc hội Ukraine (Verkhovnaya Rada) đã thông qua các sửa đổi luật, trong đó bãi bỏ vị thế trung lập của đất nước. Những sửa đổi được đưa ra bởi tổng thống lúc bấy giờ là Poroshenko.

Năm 2017, việc gia nhập NATO được tuyên bố là ưu tiên chính sách đối ngoại của Ukraine theo luật mới. Hai năm sau, các nhà lập pháp Ukraine sửa đổi Hiến pháp để tuyên bố “đường lối chiến lược nhằm giành được tư cách thành viên đầy đủ trong EU và NATO” là “cơ sở của chính sách đối nội và đối ngoại”.

Nga đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc NATO mở rộng sát biên giới nước này và gọi đây là mối đe dọa an ninh quốc gia. Trước khi cuộc xung đột hiện nay bùng nổ, Moskva đã đưa ra một kế hoạch toàn diện nhằm đảm bảo an ninh ở châu Âu.

Được đệ trình vào tháng 12/2021, đề xuất này bao gồm các yêu cầu NATO chính thức cấm Ukraine trở thành thành viên của khối quân sự và NATO phải rút lực lượng về vị trí từ trước khi liên minh này mở rộng về phía Đông vào năm 1997. Kế hoạch - nhằm mục đích xoa dịu căng thẳng bên trong châu Âu - cũng kêu gọi khối do Mỹ đứng đầu cam kết không mở rộng thêm về phía Đông.

Nga cũng yêu cầu Mỹ rút vũ khí hạt nhân mà nước này đã triển khai tới lãnh thổ của các đồng minh phi hạt nhân ở châu Âu, cũng như tất cả cơ sở hạ tầng đã triển khai nhanh có liên quan. Lời đề nghị này phần lớn đã bị Mỹ và các đồng minh bác bỏ.

Theo RT, cũng tại diễn đàn ngày 16/1, Tổng thống Putin cho rằng cuộc phản công của Ukraine hiện đã “hoàn toàn thất bại” và Kiev có thể sớm phải chịu một đòn không thể khắc phục được. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng mọi thế chủ động trên chiến trường hiện thuộc về lực lượng Nga.

“Nếu mọi việc cứ tiếp diễn như vậy, nhà nước Ukraine có thể bị giáng một đòn rất nghiêm trọng và không thể khắc phục được”, ông Putin cảnh báo, đồng thời cho rằng giới lãnh đạo ở Kiev phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình, đây là hậu quả trực tiếp từ các chính sách và quyết định của họ.

Ông Putin lưu ý rằng người đứng đầu nhóm đàm phán của Ukraine gần đây thừa nhận Kiev đã có lúc sẵn sàng đạt được thỏa thuận với Moskva. Tuy nhiên, sau chuyến thăm của Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Boris Johnson, chính quyền Ukraine đã bị thuyết phục nên ngừng theo đuổi thỏa thuận với Nga và tiếp tục chiến đấu.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)
Ba Lan hưởng lợi từ xung đột ở Ukraine
Ba Lan hưởng lợi từ xung đột ở Ukraine

Xung đột Nga-Ukraine mang lại lợi ích to lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng Ba Lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN