Tổng thống Philippines Duterte đối mặt với cuộc chiến sinh tử

Búa rìu dư luận xuất hiện cùng với cuộc chiến chống ma túy ở Philippines. Không chỉ có vậy, trong khi âm mưu đảo chính râm ram thì bom đã nổ Davao và gần đây nhất là âm mưu đánh bom tại thành phố Cotabato. Dường như tất cả điều có liên quan tới một mục tiêu, đó là ông Duterte.


Tổng thống Philippines Duterte. Ảnh: AFP

Các cơ quan chức năng Philippines vừa phá một âm mưu đánh bom tại thành phố Cotabato thuộc đảo Mindanao vào hôm 29/10, khi Tổng thống Rodrigo Duterte đang có chuyến thăm làm việc tại đây. Theo tờ The Philippine Star, các nghi phạm thuộc nhóm Hồi giáo cực đoan Dawla Islamiya Fi Cotabato định đặt bom và âm mưu kích nổ chúng ngay gần trung tâm hành chính ARMM, nơi ông Duterte tới dự họp. Nguồn tin của tờ The Philippine Star nhận định âm mưu đánh bom có thể chỉ nhằm gây sự chú ý của Tổng thống Duterte, nhưng điều đáng chú ý là 4 nghi phạm tham gia từng bị bắt vào đầu tháng cùng với 3 nghi phạm trong vụ đánh bom ở thành phố Davao hồi tháng 9, khiến 15 người thiệt mạng.

 

Sau vụ đánh bom nhằm vào một chợ đêm ở Davao ngày 2/9, nhóm khủng bố Abu Sayyaf đã nhận trách nhiệm. Theo Đài VOA, đây là hành động trả đũa lớn đầu tiên sau khi ông Duterte nhậm chức Tổng thống vào ngày 30/6 với tuyên bố bắt đầu các cuộc tấn công vào hang ổ của Abu Sayyaf gần đảo Mindanao ở miền Nam Philippines. Nếu thực sự vụ đánh bom hôm 2/9 do Abu Sayyaf thực hiện, nó hé lộ quyết tâm chiến đấu chống lại Chính phủ Philippines của nhóm này, đồng thời báo hiệu sẽ có thêm các hành động bạo lực khác. Giám đốc Chương trình châu Á thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế Tim Johnston cho rằng dù Abu Sayyaf bị xoá sổ, khả năng xuất hiện một nhóm kháng chiến vũ trang mới vẫn còn nếu khoảng trống về các giải pháp chính trị cho các vấn đề gốc rễ như sinh kế, giáo dục… tiếp tục tồn tại.

 

Rõ ràng, các nhóm cực đoan đã phát đi cảnh báo. Nhưng phép thử đối với Tổng thống Duterte không chỉ có vậy, nó còn đến từ cuộc chiến chống ma túy. Theo số liệu chính thức, trong chưa đầy 4 tháng ông Duterte lên nắm quyền, đã có khoảng 2.300 người bị giết trong các cuộc trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy. Điều này đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích gay gắt của các chính phủ phương Tây, Liên hợp quốc, các tổ chức nhân quyền và nhiều nhà lãnh đạo Công giáo. Dư luận Philippines cũng hết sức lo lắng. Một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy 94% số người được hỏi cho rằng cảnh sát nên bảo toàn tính mạng cho các nghi phạm.

 

Cảnh sát Philippines điều tra nạn nhân bị giết với khuôn mặt bị quấn băng dính có dòng chữ “tôi là kẻ buôn bán ma túy” ngày 8/7 ở Manila. Ảnh: AFP

Chống ma túy có thể nói là cuộc chiến sinh tử của ông Duterte. Là người miền Nam, ông Duterte không có bối cảnh gia đình đặc biệt, trở thành lãnh đạo tối cao Philippines hoàn toàn nhờ vào sự ủng hộ của người dân. Cuộc chiến chống ma túy vì thế được nhìn nhận như điểm tựa để ông Duterte duy trì nền tảng quyền lực của mình. Thực tế cũng cho thấy sau 100 ngày nắm quyền, việc ông Duterte vẫn giành được tỷ lệ ủng hộ cao cũng là nhờ cuộc chiến chống ma túy. Nhưng cuộc chiến đó rõ ràng không đơn giản. Lên nắm quyền, ông Duterte tuyên bố quét sạch nạn ma túy trong 6 tháng và sau đó phải xin thêm 6 tháng vì chưa bao giờ thấy vấn đề ma túy nghiêm trọng như thế.

 

Vì chống ma túy, ông Duterte đã lời qua tiếng lại với nhiều nước và tổ chức quốc tế. Cùng với cuộc chiến chống ma túy, những động thái "xoay trục” trong chính sách đối ngoại của Philippines dưới thời Tổng thống Duterte đã manh nha, quan hệ giữa Philippines và Mỹ cũng xuất hiện rạn nứt… Còn ở trong nước, cựu Tổng thống Fidel Ramos cho rằng chính phủ đương nhiệm đang "mất điểm một cách tệ hại" bằng việc ưu tiên thực hiện chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi trong khi đó lại hy sinh các vấn đề khác như nghèo đói, chi phí sinh hoạt của người dân, đầu tư nước ngoài và công ăn việc làm. Theo ông Ramos, các lĩnh vực tập trung đáng ra phải ưu tiên trên vốn đã có thể thực hiện được nếu ông Duterte hăng hái tiến hành "thay vì vướng víu vào những cuộc tranh cãi bất tận về việc giết hại không thông qua xét xử những nghi phạm buôn bán ma túy cũng như khả năng sử dụng những lời lăng mạ của ông thay vì ngôn ngữ văn minh".

 

Giờ đây, ông Ramos đã tuyên bố từ chức Đặc sứ quan hệ với Trung Quốc. Còn kinh tế Philippines, theo Bloomberg, thị trường chứng khoán nước này tháng 8/2016 có mức giảm sâu nhất so với bất kì thị trường nào khác trong khu vực, xóa bỏ những thành quả đã đạt được kể từ khi ông Duterte lên làm Tổng thống. Sự sụt giảm có thể sẽ tăng lên khi các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường rút vốn khỏi Philippines. Số liệu của Bloomberg cho hay trong nửa cuối tháng 8/2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khoảng 248 triệu USD khỏi Philippines. Việc có khoảng 2.000 người đã bị giết không qua xét xử trong chiến dịch chống ma túy của ông Duterte đã vấp phải sự phản đối của Liên hợp quốc là một trong những một lý do gây quan ngại cho một số nhà đầu tư.

 

Rõ ràng, cuộc chiến sinh tử đang đặt ông Duterte trước thử thách lớn. Nhưng trong trường hợp ông Duterte vẫn giành được sự ủng hộ của người dân và cải thiện môi trường trong, ngoài nước, những biến chuyến tích cực sẽ xuất hiện.

Hoàng Hà
 Ông Duterte nói sai về Biển Đông, Philippines gánh hậu quả nghiêm trọng?
Ông Duterte nói sai về Biển Đông, Philippines gánh hậu quả nghiêm trọng?

Nếu Manila không lập tức sửa sai cho các phát biểu của ông Duterte về Biển Đông, Thẩm phán Carpio cảnh báo Philippines sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN