Phát biểu tại một hội nghị với 30 lãnh đạo doanh nghiệp tại Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) ở Seoul, ông Moon cho rằng Nhật Bản thực hiện biện pháp trên nhằm gây tổn hại nền kinh tế Hàn Quốc "vì mục đích chính trị". Ông nhấn mạnh động thái này là "hoàn toàn không đáng có" đối với các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác an ninh giữa hai nước, đồng thời ảnh hưởng xấu đến kinh tế của hai bên cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Moon khẳng định Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực hết sức để tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề này và hy vọng Chính phủ Nhật Bản "sẽ hồi đáp...và không để tình hình đi đến đường cùng". Tuy nhiên, ông nêu rõ Hàn Quốc đã chuẩn bị cho mọi tình huống, bao gồm khả năng tranh cãi thương mại song phương có thể kéo dài.
Căng thẳng giữa hai nước gia tăng sau khi Chính phủ Nhật Bản ngày 4/7 bắt đầu siết chặt các quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao sử dụng trong sản xuất các chất bán dẫn và màn hình - gồm fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo), hydrogen fluoride và resist (chất cản màu). Theo đó, các công ty Nhật Bản sẽ phải xin cấp phép cho từng hợp đồng xuất khẩu các vật liệu này. Các biện pháp này có thể ảnh hưởng đến các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Electronics.
Một quan chức cấp cao của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản cho rằng một số lượng hydrogen fluoride xuất khẩu sang Hàn Quốc đã được chuyển đến Triều Tiên. Loại vật liệu này thường được sử dụng để sản xuất thiết bị bán dẫn song cũng có thể dùng để chế tạo bom hóa học.
Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Sung Yun-mo ngày 9/7 cho biết Hàn Quốc đang cân nhắc "mọi kế hoạch có thể" nhằm đáp trả, đồng thời kêu gọi Nhật Bản "lập tức ngừng đưa ra những cáo buộc vô căn cứ".
Động thái trên của Tokyo được đưa ra trong bối cảnh hai nước tranh cãi về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên. Năm ngoái, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết các công ty Nhật Bản phải trả tiền bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc. Trong khi đó, phía Nhật Bản khẳng định vấn đề bồi thường liên quan thời chiến đã được giải quyết dứt điểm theo hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương ký kết năm 1965.
Trả lời phỏng vấn báo giới, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết Nhật Bản không có ý định rút lại các hạn chế xuất khẩu trên, đồng thời khẳng định các hạn chế này không vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ông cũng nhấn mạnh "Nhật Bản có áp dụng các biện pháp bổ sung hay không sẽ tùy thuộc vào cách phản ứng của Hàn Quốc".
Theo kế hoạch, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiến hành đối thoại về việc này vào ngày 12/7 tới. Trong khi đó, tân Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell dự kiến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản trong tháng 7 này để tìm cách giải quyết tranh cãi giữa hai đồng minh của Washington ở Đông Bắc Á. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh "điều quan trọng là đảm bảo quan hệ mật thiết và vững chắc giữa ba nước chúng ta trong bối cảnh phải đối mặt với các thách thức chung trong khu vực".