Tổng thống Hàn Quốc cam kết đặt nền móng tái thống nhất với Triều Tiên

Ngày 18/11, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã cam kết xây dựng nền móng để tái thống nhất hòa bình với CHDCND Triều Tiên trong nhiệm kỳ 5 năm làm tổng thống của bà.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Ảnh: AFP-TTXVN


Trong bài phát biểu đầu tiên trước các nghị sĩ tại trụ sở Quốc hội kể từ khi nhậm chức hồi tháng 2 vừa qua, bà Park Geun-hye nói: "Tôi sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo tạo dựng nền móng cho việc tái thống nhất hòa bình trong thời gian tôi cầm quyền và Triều Tiên có thể trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".

Theo Tổng thống Park Geun-hye, tái thống nhất hòa bình bán đảo Triều Tiên là con đường mà hai miền Triều Tiên phải đi theo, mặc dù cho tới nay con đường này có thể vẫn "mờ mịt và cách trở". Bà cũng nhấn mạnh Seoul sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình xây dựng lòng tin trên bán đảo Triều Tiên dựa trên những nguyên tắc kiên định và kiên nhẫn. Nếu lòng tin vào các vấn đề, trong đó có chương trình hạt nhân của Triều Tiên, được xây dựng giữa Seoul và Bình Nhưỡng, thì giữa hai bên có thể thiết lập một loạt sự hợp tác về kinh tế.

Bà Park Geun-hye cũng nhắc đến dự án "Con đường tơ lụa", nối Hàn Quốc và châu Âu bằng đường sắt và đi qua CHDCND Triều Tiên. Theo bà, dự án sẽ tạo điều kiện cho Seoul mở rộng đầu tư vào Bình Nhưỡng, đồng thời mở ra cánh cửa cho việc tái thống nhất hòa bình.

Nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước, Hàn Quốc và Nga đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc 3 công ty Hàn Quốc tham gia dự án đường sắt Rajin-Khasan (từ cảng Rajin ở Đông Bắc Triều Tiên tới thị trấn Khasan ở biên giới Đông Nam nước Nga) và phát triển cảng Rajin.

Tuyến đường sắt Rajin-Khasan dài 54km đã được tu sửa và hoạt động trở lại từ tháng 9 vừa qua, nối cảng Rajin tới tuyến đường sắt Xuyên Siberia của Nga (TSR). Với sự tham gia của Hàn Quốc, tuyến đường sắt mới sẽ kéo dài từ Triều Tiên tới cảng Busan ở miền Nam Hàn Quốc, mở đường cho các nhà xuất khẩu của Hàn Quốc vận chuyển hàng hóa tới tận châu Âu.

Việc Hàn Quốc tham gia dự án trên sẽ tạo điều kiện cho Seoul mở rộng đầu tư vào Bình Nhưỡng, hoạt động vốn bị cấm vì lệnh trừng phạt mang tên Ngày 24/5 mà Hàn Quốc áp đặt chống Triều Tiên từ năm 2010 sau vụ chìm tàu chiến Cheonan mà Seoul cáo buộc do ngư lôi của Triều Tiên tấn công, mặc dù Bình Nhưỡng bác bỏ hoàn toàn sự dính líu.


TTXVN/Tin tức
Triều Tiên bác tin viện trợ quân sự cho Syria
Triều Tiên bác tin viện trợ quân sự cho Syria

Triều Tiên đã bác tin gửi viện trợ quân sự cho Chính phủ Syria, một trong số ít những đồng minh thân cận của Bình Nhưỡng, để hỗ trợ cuộc chiến chống lực lượng nổi dậy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN