Tổng thống Brazil thừa nhận rạn nứt trong liên minh cầm quyền

Chính phủ Brazil đang nỗ lực thương lượng để Đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMBD) ở lại trong liên minh cầm quyền.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 23/3, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff thừa nhận chính phủ nước này đang nỗ lực thương lượng để Đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMBD), của Phó Tổng thống Michel Temer, ở lại trong liên minh cầm quyền.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, bà Rousseff khẳng định mong muốn PMDB ở lại trong thành phần nội các, tuy nhiên bày tỏ hoàn toàn tôn trọng mọi quyết định của đảng này. Ngoài Phó Tổng thống Temer, PMBD còn có bảy bộ trưởng trong nội các của bà Rousseff cùng nhiều ghế trong Quốc hội.

PMBD đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định số phận chính trị của bà Rousseff trong trường hợp Quốc hội tiến hành bỏ phiếu trong phiên tòa chính trị xét xử Tổng thống, do phe đối lập thúc đẩy, nhằm bãi nhiệm bà này. Ông Temer sẽ là người thay bà Rousseff tiếp tục điều hành đất nước tới hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2018 nếu Tổng thống bị cách chức.

Báo chí Brazil đưa tin trong những ngày này ông Temer đang nhóm họp với phe đối lập, đặc biệt là các lãnh đạo của Đảng Xã hội Dân chủ Brazil (PSDB), cầm đầu thúc đẩy vụ đưa bà Rousseff ra xét xử. Trước đó, PMDB cũng thông báo cuối tháng này sẽ đưa ra quyết định về việc có tiếp tục hợp tác với chính phủ của Đảng Lao động (PT) cần quyền của bà Rousseff hay không.

Tuần trước, Đảng Cộng hòa Brazil (PRB) và Công đảng Brazil (PTB), trong liên minh cầm quyền với chính phủ và chiếm 40 trong tổng số 513 ghế ở Hạ viện, cũng đã rút khỏi liên minh với bà Rousseff. Trong khi đó, PMDB có tới 69 hạ nghị sĩ. Theo quy đinh, việc bỏ phiếu xem xét bãi nhiệm Tổng thống sẽ được tiến hành trước tiên tại Hạ viện. Nếu điều này xảy ra, bà Rousseff có thể sẽ mất tới hơn 100 phiếu ủng hộ. Hiện một ủy ban đặc biệt ở Hạ viện gồm 65 nghị sĩ đang xem xét có tiến hành xét xử Tổng thống hay không. Phe đối lập cần tập hợp đủ 2/3 số phiếu tức 342 phiếu ở Hạ viện mới có thể phế truất bà Rousseff, trong khi ở Thượng viện chỉ cần 41 phiếu.

Cùng ngày, trong một diễn biến có liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị ở nước Nam Mỹ, Bộ trưởng Thể thao George Hilton, người của PMDB, đã chính thức từ chức chỉ năm tháng trước khi diễn ra Thế vận hội Olympics Río de Janeiro. Thứ trưởng Ricardo Leyser sẽ đảm nhiệm vị trí của ông Hilton.

Cùng ngày, Tổng thống Rousseff đánh giá quyết định của Tòa án Tối cao Liên bang đình chỉ thẩm phán Sergio Moro tiếp tục theo dõi vụ án tham nhũng ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras có ý nghĩa quan trọng và cho rằng tất cả các công dân phải tôn trọng Hiến pháp, kể cả các thẩm phán. Trước đó, ông Moro đã cho phép báo chí đăng tải nội dung cuộc nói chuyện của bà Rousseff với cựu Tổng thống Lula da Silva. Chính phủ Brazil ngay lập tức đã kiện việc làm trên của ông Moro và cho rằng thẩm phán này vi phạm pháp luật.

Cùng ngày, trong buổi họp báo ở thủ đô Buenos Aires, Tổng thống Mỹ Barack Obama, đang ở thăm Argentina, bày tỏ mong muốn cuộc khủng hoảng chính trị ở Brazil nhanh chóng được giải quyết và khẳng định khu vực và thế giới cần "một Brazil vững mạnh và hiệu quả".

TTXVN/Tin Tức
Brazil trong "cơn bão" chính trị - kinh tế
Brazil trong "cơn bão" chính trị - kinh tế

Một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, khiến người dân trong tâm trạng giận dữ đã đổ xuống khắp các đường phố tại Brazil để biểu tình, đang đe dọa chia rẽ sâu sắc hơn nữa quốc gia Mỹ Latinh này trong bối cảnh đương kim tổng thống và người tiền nhiệm phải đối mặt với không ít cáo buộc của tòa án.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN