Tổng hành dinh của chính quyền Libi thất thủ

Lúc 23 giờ ngày 23/8 (giờ VN), lực lượng đối lập Libi đã chiếm được khu vực tổng hành dinh Bab al-Aziziya, cứ địa cuối cùng của của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi ở thủ đô Tripôli, sau một ngày giao tranh ác liệt.

Ảnh qua truyền hình CNN cho thấy cảnh chiến sự ở Tripôli đêm 23/8 (giờ Việt Nam). Ảnh: Xinhua/TTXVN


Hãng tin AP (Mỹ) và AFP (Pháp) cho biết, hàng trăm tay súng thuộc phe đối lập đã vượt qua bức tường rào bằng bê tông để vào bên trong khu tổng hành dinh Bab al-Aziziya.

Các nguồn tin cho hay, quân nổi dậy đã không gặp phải sự chống cự nào bên trong khu tổng hành dinh và cũng không tìm thấy một thành viên nào trong gia đình ông Kadhafi cũng như lực lượng thân cận của ông vì họ đã rút lui.

Đến 23 giờ 15 ngày 23/8 (giờ VN) vẫn chưa có thông tin gì về việc ông Kadhafi đang ở đâu và số phận của ông ra sao sau khi tổng hành dinh Bab al-Aziziya bị thất thủ.

Quân nổi dậy đã bắn sũng chỉ thiên, reo hò, nhảy múa ăn mừng điều mà họ gọi là thắng lợi cuối cùng này.

Trên một hướng tiến công khác, lực lượng nổi dậy đang tiến gần đến thành phố Sirte, quê hương của ông Kadhafi. Quân nổi dậy đã tràn qua trung tâm dầu mỏ miền đông Ras Lanuf và hy vọng sẽ sớm đến được làng Bin Jawad ở phía đông Sirte, nối giữa hai thành phố đang thuộc quyền kiểm soát của phe đối lập là Mistara và Benghazi.

Trước đó cùng ngày, một con trai của ông Kadhafi là Seif al-Islam, người mà một ngày trước phe đối lập Libi tuyên bố đã bắt được, đã bất ngờ xuất hiện ở thủ đô Tripôli. Seif al-Islam tuyên bố với giới báo chí tại khách sạn Rixos rằng, quân đội Libi đã cố tình để ngỏ Tripôli cho phe đối lập; đây là một chiến thuật của chính quyền Libi. Seif al-Islam khẳng định, thủ đô Tripôli vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ.

Seif al-Islam cho biết thêm, cha ông - nhà lãnh đạo Kadhafi và toàn thể gia đình vẫn đang ở Tripôli. Cùng ngày, hãng tin Interfax của Nga dẫn lời kỳ thủ cờ vua thế giới Kirsan Ilyumzhinov cho biết, ông Kadhafi đã gọi điện thoại cho Ilyumzhinov nói rằng ông vẫn đang có mặt ở Tripôli và không có ý định rời khỏi đất nước.

Cũng trong ngày 23/8, tuyên bố từ Rôma (Italia), Đại sứ Libi tại Italia Abdulhafed Gaddur khẳng định, ông Kadhafi sẽ không đầu hàng; vì nếu muốn làm việc này, ông có thể đầu hàng sớm hơn, vào thời điểm mà cộng đồng quốc tế để ngỏ cho ông nhiều giải pháp.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Crôatia Stipe Mesic, người được cho là có mối quan hệ thân thiết với nhà lãnh đạo Libi, cho biết ông Kadhafi tuần trước đã gửi đến ông "thông điệp miệng" về khả năng sẵn sàng rút lui khỏi cuộc sống chính trị nếu NATO chấm dứt các cuộc không kích.

Phe đối lập và phương Tây tin tưởng rằng chiến thắng đã ở trong tầm tay họ. Trong cuộc họp báo ngày 22/8, người đứng đầu Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) Mustafa Abdul Jalil tuyên bố, kỷ nguyên của ông Kadhafi đã hết và Libi sẽ được xây dựng thành một đất nước ôn hòa, một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chính phủ mới ở Libi sẽ nỗ lực tạo dựng hòa bình và thịnh vượng cho người dân. Người phát ngôn NATO Oana Lungescu ngày 23/8 cũng tuyên bố với báo giới rằng, “kết cục của ông Kadhafi đã điểm... Đây là chương cuối của chế độ Kadhafi”.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi một cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm và hoà bình tại Libi, đồng thời cam kết LHQ sẽ hỗ trợ hết mức cho người dân ở quốc gia Bắc Phi này. LHQ cùng Liên đoàn Arập (AL), Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) và các tổ chức khu vực khác sẽ có một hội nghị cấp cao bàn về tình hình Libi ngay trong tuần này.

Ảm đạm triển vọng quan hệ phe đối lập - phương Tây thời hậu Kadhafi

Chưa thể khẳng định ai sẽ nắm quyền lãnh đạo đất nước Libi sau khi ông Kadhafi ra đi cũng như chưa thể rõ về mức độ trung thành của lực lượng nổi dậy đối với đồng minh nhất thời – phương Tây. Nhưng điều gần như chắc chắn là mọi người sẽ chứng kiến trong những tháng tới các cuộc tranh giành quyền lực và ảnh hưởng giữa các nhóm nổi dậy, cuộc tranh giành quyền kiểm soát và tiếp cận nguồn dầu mỏ phong phú của Libi, của các nhà nước và công ty nước ngoài. Những nhà lãnh đạo mới của Libi, nếu muốn tồn tại, sẽ phải giải quyết một loạt lợi ích và tiếng nói mang tính cạnh tranh của các thủ lĩnh bộ lạc, các nhóm Hồi giáo, các tập đoàn dầu mỏ đa quốc gia, các nước phương Tây và các nước đang nổi mạnh nhất trên thế giới.

Mặc dù sức mạnh quân sự của NATO là nhân tố quan trọng góp phần giúp lực lượng nổi dậy giành chiến thắng trước chính quyền của ông Kadhafi, nhưng người ta vẫn hoài nghi liệu lực lượng nổi dậy một khi lên nắm quyền có tiếp tục trung thành với các đồng minh phương Tây hay không?

Sự hỗ trợ trong thời chiến sẽ chứng tỏ hữu ích về mặt ngoại giao, nhưng bất đồng giữa các nhóm nổi dậy và chính phủ, công ty phương Tây có thể phá hỏng mối quan hệ này. John Drake, nhà tư vấn cấp cao về rủi ro cho Công ty tư vấn AKE tại Anh, chuyên cố vấn cho một vài công ty dầu mỏ trong khu vực nhận định: "Tôi cho rằng bất kỳ tân chính phủ nào tại Libi đều sẽ tuyên bố cần tới đầu tư của nước ngoài, nhưng sẽ là sai lầm khi cho rằng chính phủ này sẽ hoàn toàn thân phương Tây bởi được phương Tây hỗ trợ quân sự”.

Theo các nhà phân tích, cách tốt nhất đối với phương Tây sẽ là để cho một Libi độc lập tự tìm tiếng nói của riêng mình, với hy vọng một tân chính phủ Libi không thách thức trực tiếp phương Tây về các vấn đề như đối phó với phiến quân Hồi giáo hay sự ủng hộ Ixraen.

Vì sao Tripôli nhanh chóng rơi vào tay quân nổi dậy?

Chỉ 3 ngày sau khi NTC thông báo cuộc tổng tấn công Tripôli (19/8), lực lượng nổi dậy đã giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ thủ đô. Giới phân tích cho rằng có 3 yếu tố giải thích tại sao Tripôli nhanh chóng rơi vào tay quân nổi dậy.

Yếu tố đầu tiên có tính quyết định là sự hỗ trợ của NATO với các vụ không kích gia tăng. Từ tháng 4/2011, máy bay không người lái đã tham gia hướng dẫn các máy bay ném bom và chiến đấu của NATO không kích với độ chính xác cao hơn. Đồng thời máy bay không người lái giúp quân nổi dậy biết rõ cần tiến theo hướng nào và đến đâu. Để mở đường cho quân nổi dậy, máy bay trực thăng NATO bắn vào những ai đi trên đường phố, lực lượng đặc biệt của Pháp, Anh và Mỹ trực tiếp tham gia các cuộc chiến đấu trên đường phố. Trong khi đó, tàu NATO cập cảng Tripôli cung cấp vũ khí hạng nặng hỗ trợ quân nổi dậy.

Yếu tố thứ hai là các nhóm quân nổi dậy hoạt động bí mật ở trong và xung quanh Tripôli, dân chúng cũng như một bộ phận quân đội chính phủ đã hỗ trợ quân nổi dậy. Khi quân nổi dậy tiến vào thành phố, chỉ huy quân đội không ra lệnh bảo vệ Tripôli, thậm chí còn bỏ lại vũ khí đạn dược tại trại lính "Km 27" ở cửa ngõ thành phố để quân nổi dậy có thể lấy dùng. Một bộ phận người dân Tripôli không những không nghe theo lời kêu gọi đứng lên đánh đuổi quân nổi dậy của ông Kadhafi mà còn tạo điều kiện cho quân nổi dậy tiến vào thành phố.

Yếu tố thứ ba là thủ lĩnh một số bộ lạc vốn là chỗ dựa của ông Kadhafi cũng thay đổi thái độ. Sau một thời gian dài lưỡng lự, bộ tộc Zintane - vốn rất thiện chiến và nổi tiếng trong cuộc chiến với Italia trong những năm 1920 và 1930 - rốt cuộc đã cầm vũ khí chống lại ông Kadhafi; người của bộ tộc này đã cùng quân nổi dậy tiến vào Tripôli. Cựu Thủ tướng Abdessalem Jalloud, đi khỏi Tripôli từ ngày 19/8, đã kêu gọi bộ tộc mà Kadhafi xuất thân từ bỏ ông ta để "cứu vãn lịch sử và danh dự" của họ.

Dương Anh

 

Phe đối lập Libi điều thêm lực lượng và vũ khí về Tripôli
Phe đối lập Libi điều thêm lực lượng và vũ khí về Tripôli

Lực lượng đối lập ở Libi ngày 22/8 cho biết đang điều thêm người và vũ khí về Tripôli từ thành phố biển Misrata, cách thủ đô 200 km về phía Đông. Lực lượng này cũng tuyên bố sẽ truy tìm bằng được nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN