Cùng với sự thay đổi cơ bản về lối sống, cách thức làm việc, mua sắm, tiêu dùng hay giải trí của người dân, các xu hướng hay mô hình kinh tế mới mẻ đang xuất hiện. Suy thoái kinh tế và chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong thời gian qua đã dẫn đến nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ leo thang. Nền kinh tế trở nên hướng nội trong khi các doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất để đảm bảo an ninh nguồn cung và tiêu thụ. Và dù hướng nội hay theo hướng đa dạng hóa, các nước sẽ phải định hình lại các chuỗi cung ứng toàn cầu sao cho tin cậy và bền vững hơn.
Các chuyên gia cho rằng toàn cầu hóa - theo nghĩa là sự trao đổi thương mại và giao kết giữa các nước - sẽ tiếp tục phát triển trong trật tự kinh tế mới và khủng hoảng cũng mở ra những cách để thoát ra mạnh mẽ hơn. Việc thiết lập một hệ thống kinh tế “mềm dẻo” thông qua việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu là điều cần thiết. Đối với Việt Nam, sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu đang đem đến những vận hội mới. Với nền kinh tế có độ mở cao cùng với nhiều lợi thế về logistics, lao động và chi phí…, việc biến những thách thức thành cơ hội sẽ dựa vào nhiều quá trình cải cách và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bài 1: “Cú hích” cho những thay đổi lịch sử
Đại dịch COVID-19 không chỉ là thảm họa đối với sức khỏe của thế giới mà còn khiến các nước phải “thu mình” và đối phó kém hiệu quả hơn đối với các vấn đề mang tính toàn cầu. Thời đại của “Trật tự Mỹ” (Pax Americana) hay tính ưu việt của Mỹ đang nhường chỗ cho một trật tự quốc tế phức tạp hơn nhiều.
Mốc dấu của sự tương phản
Nhiều năm qua, thế giới đã quen với nhịp sống toàn cầu hóa cao độ. Với phương tiện thanh toán trực tuyến và chiếc điện thoại di động, bạn có thể mua được hàng hóa gần như tất cả mọi nơi trên thế giới. Dòng vốn cũng không bị ngăn trở bởi đường biên, công ty của nước này có thể xây dựng nhà máy hoặc đầu tư, mua tài sản ở nước khác. Giắt lưng chút đỉnh tiền tài và kiến thức, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng đi du lịch, du học hay định cư tại nước ngoài. Ranh giới giữa các quốc gia ngày càng trở nên “mơ hồ”.
Tuy nhiên, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới toàn cầu hóa mà chúng ta quen thuộc đã đổi khác. Ngày càng có nhiều người bắt đầu suy ngẫm về rủi ro của toàn cầu hóa. Bởi chính vì toàn cầu hóa mà các hoạt động giao thương, đầu tư, du lịch, giáo dục… giữa các nước trở nên tấp nập, rộng mở, nhưng cùng với đó là những nguy cơ làm dịch bệnh phát tán.
Xem xét bản đồ dịch bệnh toàn cầu có thể thấy rất nhiều khu vực dịch bệnh nghiêm trọng là các thành phố, khu vực có mức độ quốc tế hóa cao như New York (Mỹ), London (Anh), Paris (Pháp), Lombardy (Italy), Hong Kong (Trung Quốc) … ở một khía cạnh nào đó minh chứng cho việc toàn cầu hóa đã thúc đẩy dịch bệnh lây lan.
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, biện pháp phong tỏa đất nước đã diễn ra trên toàn cầu với quy mô lớn. “Làng toàn cầu hóa” giờ bị chia cắt thành muôn vàn “ốc đảo” khác nhau. Sau này, dù vắc-xin phòng COVID-19 đã được sử dụng rộng khắp và lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, mối liên hệ qua lại giữa quốc gia này với quốc gia khác cũng sẽ khó có thể trở lại trạng thái gắn bó khăng khít trên các lĩnh vực như trước đây.
Động lực lớn nhất thúc đẩy toàn cầu hóa thoái trào
Dịch bệnh lây lan mạnh có lẽ chỉ là quan ngại bề ngoài đối với toàn cầu hóa. Nhiều chuyên gia cho rằng nỗi lo kinh tế suy thoái mới là yếu tố lớn nhất thúc đẩy toàn cầu hóa thoái trào. Trong Báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố ngày 24/6/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay, từ mức -3% đưa ra trong tháng 4/2020 xuống -4,9%. Nguyên nhân cho sự sụt giảm này là do “tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 trầm trọng hơn các dự báo trước đó, khiến đà phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại”.
Trước viễn cảnh suy thoái toàn cầu, phản ứng bản năng của nhiều nước chính là thực thi chủ nghĩa bảo hộ, dựng hàng rào đối với hàng hóa nhập khẩu, khiến chúng ta nhớ lại những gì diễn ra trong cuộc Đại Suy thoái vào thập niên 1930. Khi đó, việc Mỹ nâng mạnh thuế quan dẫn tới sự phản đối của nhiều nước. Chủ nghĩa bảo hộ thương mại lên tới cao trào không chỉ khiến suy thoái kinh tế thêm trầm trọng, mà còn đặt dấu chấm hết cho toàn cầu hóa vòng đầu tiên, vốn bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX và do Anh giữ vai trò chủ đạo. Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, vòng toàn cầu hóa thứ hai mới bắt đầu nhen nhóm.
Trong lần suy thoái kinh tế toàn cầu này, chủ nghĩa bảo hộ thương mại một lần nữa trở lại. Trên thực tế, chủ nghĩa bảo hộ thương mại đã xuất hiện từ trước khi đại dịch bùng phát, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”.
Dịch bệnh đẩy kinh tế các nước rơi vào tình trạng suy thoái sẽ khiến chủ nghĩa bảo hộ thương mại ngày càng leo thang. Bên cạnh đó, COVID-19 còn buộc các nước phải suy ngẫm về việc đảm bảo an ninh cho chuỗi cung ứng. Nếu ngày càng có nhiều quốc gia tìm cách dịch chuyển chuỗi cung ứng về nước hoặc sang quốc gia đồng minh hay đối tác tin vậy nhằm tránh bị lệ thuộc vào một nước hay một khu vực nhất định, điều đó có nghĩa mức độ thoái trào của toàn cầu hóa sẽ càng lớn.
Trật tự thế giới sau đại dịch COVID-19
Như vậy, cho tới khi thế giới phục hồi từ đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu sẽ “co lại” vì chuỗi cung ứng sẽ bị gián đoạn do tác động của các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch bệnh và bảo đảm an ninh cho chuỗi cung ứng. Các nền kinh tế sẽ trở nên hướng nội hơn. Thế giới cũng mất thời gian khôi phục niềm tin, nhất là niềm tin đối với một số tổ chức đa phương không thể hiện tốt vai trò lãnh đạo trong việc phòng chống dịch bệnh. Nói cách khác, một trật tự mới đang hình thành.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Malaysia, Giáo sư Carl Thayer thuộc trường Đại học New South Wales (Australia) cho rằng trật tự quốc tế sau Chiến tranh Thế giới thứ hai do Mỹ lãnh đạo đang suy giảm. Xu hướng này được thúc đẩy bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump với chính sách đơn phương “Nước Mỹ trước tiên” và mong muốn cân bằng cán cân thương mại của Mỹ. Các chính sách của ông Trump đã mở ra không gian cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị thông qua thương mại, cho vay và hỗ trợ phát triển trên quy mô toàn cầu mà sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng là một chỉ dấu.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, người ta hy vọng rằng khối BRICS, nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ lớn mạnh về kinh tế tương xứng với Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, vì dịch bệnh, sự gia tăng quy mô như dự kiến của BRICS bị đình trệ. Brazil, Ấn Độ, Nga và Nam Phi nằm trong số năm quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhất trên toàn cầu, sau Mỹ. Trung Quốc cũng sẽ không thay thế Mỹ trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu, bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không có đồng minh thực sự và rất ít quốc gia sẽ học theo hệ thống chính trị của Trung Quốc.
Dẫu vậy, theo Giáo sư Carl Thayer, thời đại của “Trật tự Mỹ” hoặc tính ưu việt của Mỹ đang nhường chỗ cho một trật tự quốc tế phức tạp hơn nhiều. Các liên minh sẽ hình thành xung quanh các vấn đề cụ thể như biến đổi khí hậu và cải cách xung quanh các vấn đề khác như chủ nghĩa khu vực vì sự suy yếu của các thể chế đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Từ góc nhìn khác, Tiến sỹ Hoo Chiew-Ping, Giảng viên cao cấp về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia Malaysia đánh giá rằng trật tự thế giới sau đại dịch sẽ được xác định bởi sự chuyển dịch trong các trụ cột địa kinh tế và địa chiến lược của thế giới. Sự tái định vị của Mỹ với tư cách quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch đang phải vật lộn nhằm phục hồi và một khu vực Đông Á đang phục hồi nhanh chóng sẽ xác định lại trật tự toàn cầu. Tiến sỹ Hoo Chiew-Ping nhận định: “Chúng ta đã có thể dự đoán rằng Đông Á sẽ làm tốt nhất trong lĩnh vực phục hồi kinh tế, xã hội. Ngay cả khi không có vắc-xin, các hoạt động kinh tế đã được nối lại, trong khi các cường quốc khác trên thế giới, bao gồm Mỹ, Anh, Nga, Ấn Độ và Brazil phải vật lộn với số ca nhiễm bệnh và tử vong kỷ lục hàng ngày”.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Malaysia, Tiến sỹ Hoo Chiew-Ping nhấn mạnh việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu cũng chỉ ra thực tế là trục chính trong tương lai sẽ vẫn nằm ở châu Á. Trong khi đó, các nước châu Âu sẽ đảm bảo họ không bị tách rời khỏi chuỗi thông qua gia tăng kết nối với các nước châu Á. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch đang tạo nên sức ép đối với hầu hết các nước châu Á. Tuy nhiên, nhu cầu phục hồi kinh tế sẽ vượt qua những hạn chế về địa chiến lược. Các nền kinh tế mới nổi sẽ xác định trật tự nổi lên tiếp theo.
Như Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) đã nhận định, đại dịch COVID-19 đang tạo ra thách thức lớn đối với y tế cộng đồng và kinh tế toàn cầu, nhưng hậu quả chính trị chưa thể lường trước được. Việc các nhà lãnh đạo có thể “khai thác” dịch bệnh để theo đuổi các mục đích của họ theo nhiều cách có thể làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, theo quan điểm của Tiến sỹ Hoo Chiew-Ping, thế giới sau đại dịch không nên tách rời khỏi chủ nghĩa đa phương.
Bài 2: Chiến lược toàn cầu hóa 'thích nghi' với bối cảnh mới