Tổ chức Ân xá Quốc tế: Israel dùng vũ khí Mỹ tấn công Gaza, giết chết 43 người Palestine

Một cuộc điều tra của Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc rằng hệ thống dẫn đường vũ khí do Mỹ sản xuất đã được Isael sử dụng trong hai cuộc không kích ở Gaza vào tháng 10, khiến 43 dân thường thiệt mạng.

Cáo buộc liên quan vũ khí Mỹ

Chú thích ảnh
Hiện trường đổ nát sau cuộc không kích của Israel tại thành phố Rafah, Dải Gaza, ngày 3/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh CNN, báo cáo điều tra được công bố ngày 6/12 cho thấy đã phát hiện các mảnh vỡ của hệ thống dẫn đường Bom Tấn công Trực diện Phối hợp (JDAM) do Mỹ sản xuất. Mảnh vỡ nằm trong đống đổ nát của những ngôi nhà bị phá hủy ở khu vực Deir al-Balah thuộc trung tâm Gaza.

Israel sử dụng nhiều loại vũ khí và đạn dược của Mỹ, nhưng báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế là một trong những nỗ lực đầu tiên cho thấy vũ khí Mỹ sản xuất liên quan tới một cuộc tấn công cụ thể khiến một số lượng đáng kể dân thường thiệt mạng.

Theo Lực lượng Không quân Mỹ, JDAM là một bộ dẫn đường giúp chuyển những quả bom rơi tự do không được dẫn thường thành những loại bom thông minh, chính xác. JDAM là vũ khí không đối đất có điều khiển, sử dụng đầu đạn BLU-109/MK 84 nặng 900kg, BLU-110/MK 83 nặng 450kg hoặc đầu đạn BLU-111/MK 82 nặng 225kg.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, các chuyên gia vũ khí của tổ chức này và một nhà phân tích viễn thám đã kiểm tra hình ảnh vệ tinh và ảnh chụp các ngôi nhà bị không kích. Họ đã thấy các mảnh bom được lấy ra từ đống đổ nát.

Báo cáo cho biết sau hai vụ tấn công này, 19 trẻ em, 14 phụ nữ và 10 đàn ông đã thiệt mạng.

Cụ thể, cuộc tấn công đầu tiên mà Tổ chức Ân xá Quốc tế đề cập xảy ra vào khoảng 8 giờ 30 phút tối 10/10 và mục tiêu là ngôi nhà của gia đình al-Najjar. Hậu quả là 21 thành viên của gia đình này và 3 hàng xóm đã thiệt mạng.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, quả bom được sử dụng rất có thể nặng trên 900kg, xét mức độ thiệt hại của ngôi nhà và các nhà xung quanh. Năm 2017 cũng được khắc trên tấm biển gắn với quả bom, cho thấy quả bom được sản xuất vào năm đó.

Còn vụ tấn công thứ hai xảy ra vào khoảng giữa trưa ngày 22/10 và nhằm vào ba ngôi nhà của ba anh em trong gia đình Abu Mu'eileq. Tổng cộng có 18 thành viên trong gia đình Mu-eileq đã thiệt mạng, gồm 12 trẻ em và 6 phụ nữ, cũng như một người hàng xóm.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết các bức ảnh cho thấy quả bom rơi trúng nhà của gia đình Mu-eileq nặng khoảng 450kg và được sản xuất vào năm 2018, theo năm được ghi trên quả bom.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết họ không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy có mục tiêu quân sự tại các địa điểm xảy ra cuộc không kích, cũng không có dấu hiệu cho thấy những người sống trong các ngôi nhà này là mục tiêu quân sự hợp pháp.

Báo cáo cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng những cuộc không kích này là cuộc tấn công trực tiếp vào dân thường, đối tượng dân sự hoặc là các cuộc tấn công bừa bãi”. Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi điều tra các cuộc tấn công.

Trong báo cáo trên, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng việc sử dụng vũ khí của Mỹ cho các cuộc tấn công như vậy là một lời cảnh tỉnh khẩn cấp đối với chính quyền Mỹ.

Ông Agnès Callamard, Tổng thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói: “Các loại vũ khí do Mỹ sản xuất đã hỗ trợ cho hành động giết hại hàng loạt các gia đình đông người”.

Phản ứng của Israel và Mỹ

Chú thích ảnh
Hiện trường đổ nát sau cuộc không kích của Israel tại thành phố Rafah, Dải Gaza, ngày 3/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Phản ứng về cáo buộc trên, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) coi báo cáo này là thiếu sót, thiên vị và kết luận quá sớm, dựa trên những giả định vô căn cứ về hoạt động của quân đội Israel.

Tuyên bố của IDF cho biết quân đội Israel lấy làm tiếc về tổn hại gây ra cho dân thường hoặc tài sản dân sự do hoạt động quân sự và sẽ kiểm tra mọi hoạt động để rút kinh nghiệm và cải thiện.

Về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matt Miller cho biết cơ quan này đang xem xét báo cáo nói trên của Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Ông Miller nói: “Chúng tôi đã nói rõ trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo Israel rằng chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc bảo vệ dân thường trong cuộc xung đột này. Chúng tôi hy vọng Israel chỉ tấn công các mục tiêu hợp pháp và tuân thủ luật xung đột vũ trang”.

Ngày 5/12, Lầu Năm Góc cũng đang kiểm tra báo cáo trên. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Patrick Ryder nói với các nhà báo: “Chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc chặt chẽ với các đối tác Israel về tầm quan trọng của việc tính đến an toàn dân sự khi tiến hành các hoạt động”.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, Israel là quốc gia nhận được viện trợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ kể từ Thế chiến II. Trung bình Mỹ cung cấp cho Israel 3 tỷ USD viện trợ quân sự mỗi năm và chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang muốn có thêm 10,6 tỷ USD viện trợ quân sự sau khi Hamas tấn công Israel ngày 7/10.

Tổ chức này cảnh báo: “Mỹ có thể phải cùng chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế mà Israel gây ra bằng vũ khí do Mỹ cung cấp, vì tất cả các quốc gia đều có nghĩa vụ không cố ý góp phần vào các hành động sai trái mà các nước khác thực hiện trên quốc tế”.

Tổ chức Ân xá Quốc tế đang kêu gọi chính phủ Mỹ và các chính phủ khác ngừng chuyển vũ khí cho Israel.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tương lai Gaza trở thành tâm điểm khi Israel tăng cường tấn công Hamas
Tương lai Gaza trở thành tâm điểm khi Israel tăng cường tấn công Hamas

Israel muốn có một vùng đệm mới bên trong vùng đất này nhưng Mỹ coi đây là điều không thể, trong bối cảnh các cuộc tấn công của Israel được tăng cường ở phía Nam Gaza.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN