TNS Pháp: Chúng tôi bị chấn động trước hành động của Trung Quốc

Tại trụ sở Thượng viện Pháp ở thủ đô Paris, ngày 17/6 Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) đã tổ chức buổi tọa đàm có chủ đề: "Việt Nam trong sự đa dạng ngày hôm nay", dưới sự chủ trì của bà Hélène Luc, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp-Việt, Thượng nghị sĩ danh dự. Sự kiện thu hút đông đảo khách mời là đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lập pháp, giới chuyên gia và học giả Pháp chuyên nghiên cứu về Việt Nam.


Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, đây là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa với các trao đổi và tranh luận thẳng thắn về tình hình Việt Nam. Các đại biểu tham dự đã thống nhất đánh giá các thành tựu đổi mới của Việt Nam với nền kinh tế tăng trưởng ổn định trong nhiều thập kỷ và chính sách hội nhập quốc tế thành công. Nhân dịp này, các đại biểu cũng lên án hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đã nêu bật những thành tựu to lớn của Việt Nam sau gần 3 thập kỷ đổi mới. Theo Đại sứ, từ một đất nước bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, sau đó lại phải chịu hậu quả nặng nề do cấm vận kinh tế của Mỹ, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: tỷ lệ tăng trưởng trung bình là 7%/năm kể từ năm 2000; thu nhập bình quân tính theo đầu người tăng 11 lần; tỷ lệ nghèo đói giảm từ 75% vào năm 1986 xuống còn 10% vào năm 2012. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài, Việt Nam vẫn đảm bảo tăng trưởng ở mức trên 5% trong những năm qua. Chính sách tạo thuận lợi thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam đã làm cho Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Pháp.


Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng phát biểu tại buổi Tọa đàm.


Đại sứ cũng cập nhật những diễn biến mới nhất về tình hình căng thẳng tại Biển Đông, nhấn mạnh những hành động gây hấn của Trung Quốc kể từ ngày 2/5 khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc đã duy trì hàng chục tàu vũ trang quân sự cùng máy bay hộ tống để bảo vệ giàn khoan trái phép. Tàu Trung Quốc liên tục bố ráp, đâm và phun vòi rồng một cách hung hãn vào tàu chấp pháp Việt Nam. Đại sứ cho rằng các hành động uy hiếp, ngăn cản này đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Phát biểu nhân dịp này, bà Marie-Christine Blandin, Thượng nghị sĩ, Phó Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Truyền thông của Thượng viện Pháp đã bày tỏ sự lo ngại trước những gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông: "Chúng tôi bị chấn động trước những gì diễn ra trên Biển Đông. Thông tin trong những ngày qua khiến chúng tôi phải tỏ ra hết sức cảnh giác trước các hành động của Trung Quốc. Việc Trung Quốc cho tàu truy đuổi, đâm và làm chìm tàu cá Việt Nam tại khu vực ngoài khơi vùng biển Đà Nẵng là một việc làm hết sức nghiêm trọng và đã đi quá giới hạn cho phép. Với tư cách là Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt, chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các hiệp định đã ký kết, luật pháp và quy định quốc tế về biển. Chúng tôi sẽ luôn bên cạnh Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền của mình".

Tướng Daniel Schaeffer, nguyên cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp và là một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông tại Pháp, cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong chuỗi các hành động nhằm thực hiện chiến lược tổng thể là hợp thức hóa đường chín đoạn nhằm xác định khu vực thuộc chủ quyền trên biển của Trung Quốc.


Quang cảnh buổi Tọa đàm.


Theo ông, mặc dù Trung Quốc khẳng định rằng đã công bố ranh giới này từ năm 1947, nhưng đây là một yêu sách không có bất kỳ một cơ sở pháp lý. Ông cũng điểm lại những hành động trước đây của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông như cho phép Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) gọi thầu thăm dò khai thác dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây sức ép buộc các công ty nước ngoài hợp tác thăm dò dầu khí với các quốc gia Đông Nam Á có chủ quyền trên Biển Đông phải rút lui khỏi các hợp đồng đã ký kết, đồng thời tiến hành các hoạt động hải quân tại các khu vực và hòn đảo đang có tranh chấp như James Shoal và Scarborough.

Ông cũng cho rằng báo chí quốc tế thường viện dẫn các nguồn lợi dầu khí và đánh bắt cá để giải thích các tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước ASEAN là "việc thấy cây mà không thấy rừng", bởi vì theo ông Trung Quốc có những mục tiêu chiến lược sâu xa, Trung Quốc muốn xây dựng một căn cứ cho các tàu ngầm, đặc biệt là các tàu ngầm nguyên tử của mình để từ đó có thể tiến ra khu vực Thái Bình Dương. Khu vực thuận lợi nhất hiện nay để xây dựng cảng biển này nằm ở phía đông nam đảo Hải Nam bởi vì đây là nơi có thềm lục địa nông, các tàu của Trung Quốc có thể dễ dàng vào ra mà không bị phát hiện.

Bên lề buổi tọa đàm, trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, Tướng Daniel Schaeffer ủng hộ các hành động bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông. Ông nói: "Việc Việt Nam tiếp tục khẳng định sự hiện diện của mình tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan là việc rất nên làm và việc làm này là hợp pháp dưới góc độ công luật quốc tế. Việt Nam cần làm cho quốc tế thấy được sự đúng đắn của các hành động của mình và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng không nên sợ các biện pháp trả đũa về kinh tế của Trung Quốc vì Trung Quốc cũng có lợi khi hợp tác với Việt Nam". Ông cũng cho rằng với chủ nghĩa bá quyền mà Trung Quốc đang theo đuổi, Việt Nam không nên ảo tưởng điều gì, vì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Ông cũng khích lệ tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam: "Trong lịch sử hàng nghìn năm chống quân xâm lược đến từ phương Bắc, Việt Nam đã kiên cường, dũng cảm, không để bị động, bất ngờ. Cần phát huy bản lĩnh đó, ý chí đó trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ngày hôm nay".


Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)

Biển Đông trên bàn cờ chiến lược của Trung Quốc
Biển Đông trên bàn cờ chiến lược của Trung Quốc

Do Trung Quốc không đủ khả năng ganh đua với Mỹ về quân sự, chiến lược lớn của Trung Quốc là tránh đối đầu trực diện với Mỹ, sử dụng áp lực để "thu phục" các nước láng giềng, buộc họ phải tự rời khỏi vòng tay của Mỹ. Trong chiến lược lớn ấy, Biển Đông là đấu trường chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN