Tình hình tại các nước châu Phi và Trung Đông: Căng thẳng gia tăng

Ngày 15/4, cuộc chống đối của đội cận vệ đã buộc Tổng thống Buốckina Phaxô, ông Blaise Compaore, phải rời khỏi Phủ Tổng thống ở thủ đô Oagađugu tới thị trấn quê hương Ziniare (cách Oagađugu khoảng 30 km về phía bắc).

Theo nguồn tin từ hãng AFP, hàng chục thành viên đội cận vệ của Tổng thống Compaore đã tổ chức biểu tình tại hai doanh trại nằm trong khuôn viên Phủ Tổng thống và bắn chỉ thiên bằng cả súng hạng nặng và hạng nhẹ. Cuộc biểu tình sau đó đã lan ra các doanh trại cận vệ cách Phủ Tổng thống 3 km và xuống đường phố với nhiều tiếng súng nổ hơn.

Một quan chức quân sự cho biết, nhà riêng của tướng Dominique Diendiere, Tổng tham mưu trưởng đội cảnh vệ Tổng thống, nằm trong khu vực doanh trại trên, đã bị trúng đạn. Hiện chưa rõ nguyên nhân của sự chống đối nói trên. Tuy nhiên, một sĩ quan giấu tên thuộc đội cận vệ của tổng thống cho biết một số binh sĩ đã bắn chỉ thiên nhằm phản đối tình trạng trì trệ trong giải quyết chế độ trợ cấp nhà mà họ được hứa hẹn.

Trước đó một ngày, hàng chục nghìn người đã biểu tình tại Oagađugu trong một cuộc biểu tình lớn chưa từng thấy ở quốc gia Bắc Phi này nhằm phản đối chính phủ của ông Compaore. Cuộc biểu tình này do Liên minh Dân tộc chống chi phí đời sống đắt đỏ (CCVC), một liên minh các nghiệp đoàn thương mại, các hiệp hội người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ, tổ chức.

Từ tháng 2 vừa qua, Tổng thống Compaore đã phải đối mặt với một loạt cuộc biểu tình chống chính phủ ở 10 thành phố trên cả nước. Trong tháng 3 còn xảy ra các vụ binh sĩ cướp trang bị quân sự, bắn chỉ thiên, cướp phá các cửa hiệu... ở một số thành phố, trong đó có thủ đô Oagađugu.

Biểu tình phản đối chính phủ tại thủ đô Oagađugu của Buốckina Phaxô. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên quan đến tình hình Libi, ngày 15/4, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet tuyên bố Pháp cùng Mỹ và Anh mong muốn nhiều hơn ở Nghị quyết của LHQ về Libi, tức là không chỉ giúp bảo vệ dân thường mà còn tìm kiếm sự thay đổi chế độ ở quốc gia Bắc Phi này. Theo Bộ trưởng Longuet, Pháp và Anh muốn mở rộng những cuộc không kích nhằm vào các trung tâm hậu cần và sở chỉ huy của lực lượng chính phủ Libi, hơn là khởi động kế hoạch vũ trang cho phe đối lập ở nước này.

Tại Uganđa ngày 15/4, hơn 1.000 người do thủ lĩnh phe đối lập Kizza Besigye, đối thủ gần nhất với Tổng thống Yoweri Museveni trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 2/2011, cầm đầu đã xuống đường tuần hành tại thủ đô Campala phản đối giá hàng hóa và nhiên liệu tăng cao. Cảnh sát Uganđa đã phải dùng đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông, làm ông Besigye bị thương. Trong khi đó, hàng trăm người đã biểu tình tại Jinja, thành phố thương mại sầm uất thứ hai ở miền đông Uganđa, cũng như ở thành phố tây nam Masaka và thành phố miền bắc Gulu. Cảnh sát tại những nơi này cũng đã phải sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình và bắt giữ 10 người.

Hãng thông tấn chính thức của Baranh ngày 15/4 đưa tin, nhà chức trách nước này đã ra lệnh giải tán Đảng Al Wefaq, đảng đối lập lớn nhất của người Shiite tại quốc gia Vùng Vịnh này. Thông báo cho biết Bộ trưởng Tư pháp Baranh, Khalid bin Ali al Khalifa đã tiến hành các thủ tục pháp lí để giải tán Đảng Al Wefaq vì “đe dọa nền hòa bình” của nước này.

Quyết định trên là một phần trong chiến dịch đàn áp qui mô của Baranh nhằm vào phe đối lập dòng Shiite sau khi những người ủng hộ phe này nhiều tuần qua đã tổ chức các cuộc biểu tình chống lại Hoàng gia thuộc dòng Sunni. Tháng trước, nhằm dẹp yên các cuộc biểu tình, Baranh đã áp đặt thiết quân luật, bắt giữ các lãnh đạo hàng đầu của phe đối lập cùng hàng trăm nhà hoạt động chính trị và người biểu tình. Ít nhất 30 người đã thiệt mạng kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra ngày 14/2.

Cùng ngày, Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại về việc Baranh tìm cách giải tán Đảng Al Wefaq và cho biết sẽ hoan nghênh nếu Baranh đảo ngược quyết định này.

Tại Xyri, cùng với quyết định thành lập chính phủ mới ngày 15/4, Tổng thống Xyri Bashar Al-Assad đã ra lệnh trả tự do cho toàn bộ người biểu tình bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình vừa qua, ngoại trừ những đối tượng bị coi là “kẻ phạm tội chống phá đất nước và công dân Xyri”.

Động thái trên được coi là sự nhượng bộ của ông Al-Assad trong nỗ lực nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình gây bạo loạn từ ngày 18/3 và đang có nguy cơ lan rộng ở nước này. Theo một số nguồn tin, đã có khoảng 200 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ tại Xyri.

Bất chấp những động thái được coi là “xuống thang” của chính phủ, hàng nghìn người chống đối ở Xyri vẫn tiếp tục đổ xuống đường biểu tình ở nhiều thành phố lớn.

Ngày 15/4, phe đối lập ở Yêmen thông báo đã chính thức chấp nhận sáng kiến của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) về việc Tổng thống nước này Ali Abdullah Saleh chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Abdrabuh Mansur Hadi và thành lập một chính phủ do phe đối lập lãnh đạo.

Trong khi đó, những người biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp tục tuần hành trên đường phố ở các thành phố chính, trong đó có thủ đô Xana, yêu cầu ông Saleh chấm dứt 33 năm cầm quyền và đòi truy tố trách nhiệm của ông Saleh do để xảy ra các vụ đụng độ trong các cuộc biểu tình làm hàng chục người thương vong.

TTG - H.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN