Tình báo Mỹ tiết lộ 'thủ phạm' đứng sau vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream

Tờ New York Times dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên cho biết “một nhóm phá hoại thân Ukraine” đã đứng sau vụ tấn công các đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) hồi tháng 9/2022.

Chú thích ảnh
Một trong các vị trí xảy ra tình trạng rò rỉ khí đốt tại đường ống Dòng chảy phương Bắc trên biển Baltic ngày 29/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nguồn tin cho rằng những kẻ phá hoại rất có thể là công dân Ukraine hoặc Nga, hoặc cả hai. Tuy nhiên, không có công dân Mỹ hay Anh nào liên quan đến vụ việc này.

Ngoài ra, không có bằng chứng cho thấy Tổng thống Volodymyr Zelensky liên quan hay các quan chức trong Chính phủ Ukraine đã chỉ đạo cuộc tấn công.

Các quan chức Mỹ cũng không nói rõ ai đã ra lệnh hoặc trả tiền cho hành động phá hoại đó. Họ cho rằng vụ tấn công có thể do một lực lượng ủy nhiệm có liên quan tới Chính phủ hoặc lực lượng an ninh Ukraine tiến hành.

Theo đó, những quả bom đã gây hư hại 3 trong số 4 đường ống dẫn khí ở dưới đáy biển Baltic rất có thể do thợ lặn có kinh nghiệm gài. Các thợ lặn này dường như không làm việc cho quân đội hay lực lượng tình báo, song trước đây, họ có thể được huấn luyện chính quy. 

Nguồn tin cũng nói rõ rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden và các trợ lý hàng đầu của ông không cho phép tấn công Nord Stream và Mỹ không liên quan tới vụ nổ đường ống. Những tuyên bố này đã bác bỏ thông tin đưa ra từ tháng trước của nhà báo điều tra Seymour Hersh, người đã cáo buộc Washington ra lệnh đánh bom và gài chất nổ vào đường ống.

Về phần mình, Đức cho biết đã nắm được thông tin về  của tờ New York Times, song cuộc điều tra của riêng họ chưa kết thúc. Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Thủ tướng Thụy Điển đều từ chối bình luận về thông tin mà tờ báo đưa ra. 

Vụ nổ đường ống Nord Stream xảy ra sau khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine kéo dài 7 tháng. Vụ việc xảy ra ở vùng quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch tại biển Baltic. Cả hai quốc gia này đều kết luận vụ nổ xảy ra là cố ý, nhưng chưa chỉ rõ ai đứng sau vụ việc.

Hồi tháng 10 năm ngoái, tình báo Mỹ cũng cho biết họ tin rằng “các phần tử” trong Chính phủ Ukraine – nhưng không phải Tổng thống Zelensky – đứng sau vụ việc, nhưng từ chối nêu tên bất kỳ ai. Kiev đã phủ nhận mọi trách nhiệm.

“Sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream, đã có những suy đoán và lo ngại ở Mỹ rằng một bộ phận của Chính phủ Ukraine có thể cũng tham gia vào hoạt động này”, tờ New York Times đưa tin.

Tuy nhiên, giới chức phương Tây cho rằng dường như Tổng thống Zelensky và các quan chức ở Kiev không liên quan tới sự việc này, do Ukraine không muốn làm tổn hại nền tảng ủng hộ của phương Tây dành cho mình.

Mỹ và NATO gọi vụ tấn công đường ống này là hành động phá hoại, trong khi Nga đổ lỗi cho phương Tây và kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập. Tuy nhiên, không bên nào đưa ra bằng chứng rõ ràng. 

Mỹ và phương Tây suy luận rằng trong số các nghi phạm đứng sau hành động phá hoại Nord Stream, Nga có khả năng thực hiện nhất, bởi điều này phù hợp với ý định của Điện Kremlin nhằm cho thấy sự mong manh của nguồn cung năng lượng châu Âu.

Tuy nhiên, Nga đã chỉ trích những cáo buộc trên là “ngớ ngẩn”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh vụ rò rỉ đường ống này là vấn đề lớn đối với Nga, đồng thời kêu gọi các bên suy nghĩ trước khi đưa ra tuyên bố và chờ kết quả điều tra.

Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cáo buộc Mỹ là bên hưởng lợi nhất từ vụ phá hoại đường ống khí đốt Nord Stream, chứ không phải Nga hay EU.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Bước tiến lịch sử trong việc bảo vệ đại dương
Bước tiến lịch sử trong việc bảo vệ đại dương

Sau hơn 15 năm đàm phán, cuối cùng vào tối 4/3 vừa qua, gần 200 quốc gia đã hoàn tất nội dung Thoả thuận về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia (BBNJ). Đây được coi là bước tiến lịch sử trong việc bảo vệ đại đương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN